Tiếng Việt | English

22/01/2024 - 09:43

Trăm năm xóm đóng ghe, xuồng

Với đôi dòng Vàm Cỏ và hệ thống sông ngòi phát triển, nghề đóng ghe, xuồng có mặt ở Long An từ trăm năm trước với những chiếc ghe lườn mũi đỏ nổi tiếng một thời. Ngoài xóm đóng ghe ở xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, Long An còn có một xóm đóng ghe, xuồng trăm tuổi ở vùng Cần Giuộc vẫn được duy trì, phát triển cho đến ngày nay.

Theo anh Huỳnh Văn Hiệu, dù thị trường ngày nay có nhiều thay đổi nhưng để đi biển và phục vụ du lịch thì xuồng, ghe gỗ vẫn là lựa chọn hàng đầu

Theo anh Huỳnh Văn Hiệu, dù thị trường ngày nay có nhiều thay đổi nhưng để đi biển và phục vụ du lịch thì xuồng, ghe gỗ vẫn là lựa chọn hàng đầu

1. Nghề đóng ghe, xuồng có mặt ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc khoảng 80 năm trước. Thời đó, nghề đóng ghe tại Đông Thạnh nổi tiếng xa gần với nhiều thợ lành nghề, đóng được đủ các loại ghe khác nhau như ghe bầu, ghe chài, ghe đáy, ghe ủi, ghe kéo, xuồng tam bản,...

Với khách thương hồ, chiếc ghe không chỉ là phương tiện đi lại, mưu sinh mà còn là nhà, người bạn đồng hành gắn bó. Ghe vùng Đông Thạnh trước đến giờ không chỉ bền, chắc mà còn có tính thẩm mỹ, thể hiện ở mũi và lái, mặt ghe thường được sơn màu đỏ tươi và đặc biệt là đôi mắt của ghe luôn có “thần”. Nếu đóng bằng loại gỗ tốt, đúng kỹ thuật thì tuổi thọ của mỗi chiếc ghe có thể lên đến 30-40 năm. Đó là lý do nghề đóng ghe, xuồng vùng Đông Thạnh vẫn được khách hàng tin cậy và lưu truyền cho đến nay.

Các xưởng đóng ghe tại Đông Thạnh thường có quy mô gia đình nên thợ làm nghề hầu hết đều là cha truyền con nối. Theo nghiệp gia đình, 15 tuổi, anh Huỳnh Văn Hiệu (chủ xưởng đóng ghe ở ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) bắt đầu học nghề đóng ghe từ cha. Ngày đó, nghề đóng ghe khá thịnh hành. Các gia đình thợ giỏi thường được chủ ghe mời về nhà để đóng ghe. Anh Hiệu từng không ít lần khăn gói cùng cha và các anh chị em trong nhà đi đóng ghe khắp các vùng Cần Đước, Bến Lức, Tân An.

Anh Hiệu kể: “Hồi đó, việc thông thương, đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng nên người làm nghề nhiều lắm. Nhà tôi có đến 25 người thợ, thường cùng cha tôi đi khắp vùng để đóng ghe. Việc đóng những chiếc ghe lớn dài hơn 20m, tải trọng 300 tấn là chuyện thường tình! Bây giờ thì không được như vậy nữa vì sự thay đổi của đời sống, thị trường nhưng không phải vì vậy mà nghề mai một. Chúng tôi vẫn có thể sống tốt với nghề”.

Anh Huỳnh Văn Hiệu bắt đầu học nghề đóng ghe từ năm 15 tuổi

Anh Huỳnh Văn Hiệu bắt đầu học nghề đóng ghe từ năm 15 tuổi

Để bền bỉ với nghề, người thợ đóng ghe, xuồng phải có đam mê, kiên trì và kinh nghiệm bởi việc đóng ghe không chỉ nhiều công đoạn, lắm công phu mà còn đòi hỏi ở người thợ tính tỉ mỉ, cẩn thận. “Có người phải làm thợ phụ hơn 10 năm mới lên thợ chính. Nghề này nếu không yêu có lẽ khó lòng mà theo đuổi được” - anh Hiệu nói.

2. Theo anh Hiệu, điều duy nhất giúp nghề đóng ghe, xuồng bằng gỗ vẫn “sống” chính là tay nghề của người thợ và chất lượng sản phẩm. Là thợ chính đóng ghe vùng Đông Thạnh, phải có vốn hiểu biết về các loại gỗ, tinh thông việc chọn gỗ. Ngoài ra, tay nghề, kỹ thuật, kinh nghiệm của người thợ phải vững vàng để có thể xác định chính xác từ kích cỡ gỗ đến cấu hình ghe (cao, dài, dày) sao cho phù hợp với trọng lượng chuyên chở mà khách yêu cầu. Ghe thành phẩm phải vừa đẹp, vừa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và độ an toàn khi sử dụng.

Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, nghề đóng ghe không còn thịnh hành như trước. Tuy nhiên, các xưởng đóng ghe vùng Đông Thạnh vẫn sống với nghề nhờ giữ được sự tin cậy của khách hàng đối với chất lượng từng sản phẩm. “Thời nào cũng vậy, khi đóng ghe, xuồng, chúng tôi đều chọn loại gỗ tốt để kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Ngày nay, trên thị trường có nhiều loại ghe, xuồng bằng sắt, nhựa,... nhưng để đi biển và phục vụ du lịch thì xuồng, ghe gỗ vẫn là lựa chọn hàng đầu. Thợ đóng ghe, xuồng bây giờ cũng phải thay đổi và tiến bộ, phải sử dụng thuần thục công cụ thủ công lẫn máy móc hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu” - anh Hiệu khẳng định.

Để hoàn tất ghe du lịch này, 7 thợ đóng ghe làm việc trong khoảng 1 tháng

Để hoàn tất ghe du lịch này, 7 thợ đóng ghe làm việc trong khoảng 1 tháng

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc - Lê Thanh Sang, hiện trên địa bàn xã còn khoảng 10 hộ làm nghề đóng ghe, xuồng và Tổ nghề truyền thống đóng ghe, xuồng vừa thành lập cách đây không lâu. Các hộ đều áp dụng kỹ thuật, sử dụng máy móc vào một số công đoạn đóng ghe theo phương pháp cải tiến giúp nâng cao năng suất, giảm công lao động, chi phí sản xuất và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Những người thợ đóng ghe trong địa bàn xã linh hoạt, chịu khó học hỏi, cải tiến trong công việc, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Thời gian gần đây, một số hộ đóng ghe, xuồng trong địa bàn xã còn sản xuất mô hình xuồng, ghe theo yêu cầu của khách hàng” - ông Lê Thanh Sang cho biết./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết