Giao thông "chuyển mình" mạnh mẽ
Được tái lập vào năm 1983, huyện Thủ Thừa có gần 4/5 diện tích thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Khi đó, toàn huyện chỉ một phần các xã phía Nam và thị trấn Thủ Thừa có giao thông (GT) đường bộ; các xã phía Bắc thì kênh, rạch chằng chịt, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện đường thủy. Đời sống người dân còn nhiều vất vả.
Từ việc lưu thông chủ yếu bằng phương tiện đường thủy thì nay, huyện Thủ Thừa có hơn 118km đường nhựa
Để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, huyện đề ra Chương trình khai hoang, phục hóa vùng đất Bo Bo và khu vực trũng thấp phía Bắc, từ đó khơi dậy được tiềm năng của vùng đất khó này. Đặc biệt, huyện thực hiện Chương trình Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GT, thủy lợi, đê bao để tháo chua, rửa phèn, ngăn mặn, phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân. Đây là “đòn bẩy” giúp Thủ Thừa có thêm những bước tiến dài bởi GT là mắt xích quan trọng, tạo đà cho sự phát triển KT-XH.
Trước năm 1983, người dân Thủ Thừa chủ yếu đi lại bằng phương tiện đường thủy và chỉ có 11km đường nhựa, không có đường bê tông,... Hiện nay, toàn huyện có hơn 118km đường nhựa, hơn 103km đường bêtông xi măng và các xã, thị trấn đều có đường ôtô đến trung tâm. Các trục đường liên ấp, liên xã được kết nối, hình thành các trục GT liên hoàn, thông suốt. Ông Trần Văn Bảy (62 tuổi, ngụ khu phố Cầu Xây, thị trấn Thủ Thừa) phấn khởi: “Năm 1996, trước nhà tôi là đường đá đỏ, đi lại khó khăn. Nay đường không chỉ được nhựa hóa, có cầu vượt mà còn có dải phân cách cho 2 chiều xe. Sau 40 năm tái lập huyện, tôi tự hào về những thay đổi của quê hương, nhất là GT”.
Hiện nay, khoảng cách địa lý giữa Thủ Thừa với các huyện lân cận và vùng trở nên gần hơn nhờ hệ thống GT thủy, bộ thuận lợi như Quốc lộ 1, 62, N2 và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngang qua. Thêm vào đó, đường Vàm Thủ - Bình Hòa Tây (Đường tỉnh 817), đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh (Đường tỉnh 818) tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Thủ Thừa ngày càng phát triển.
Từ năm 2011 đến nay, huyện thực hiện 289 danh mục công trình đường GT nông thôn, 99 cây cầu bêtông nông thôn với tổng vốn trên 493 tỉ đồng; nâng cấp, sửa chữa 168 công trình thủy lợi do huyện quản lý, phục vụ sản xuất nông nghiệp và việc đi lại của người dân, tổng kinh phí 178,2 tỉ đồng. Huyện luôn xác định rõ, muốn phát triển KT-XH phải phát triển hạ tầng GT đồng bộ để thu hút, kêu gọi đầu tư. Hiện trên địa bàn huyện, tỉnh đầu tư Đường tỉnh 818 và Đường tỉnh 817 để đồng bộ đường và cầu GT. Ngoài ra, huyện còn đầu tư cầu để kết nối xã Nhị Thành với Tân Thành cũng như cầu bắc qua kênh Thủ Thừa để kết nối thị trấn Thủ Thừa với Trung tâm hành chính mới của huyện.
Những thành tựu đáng tự hào
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa - Trần Thế Luân khẳng định: “Từ khi tái lập huyện đến nay, Thủ Thừa trải qua 8 kỳ đại hội. Nghị quyết các kỳ đại hội tiếp tục khẳng định và kiên trì mục tiêu quyết tâm đổi mới, phát triển. Chặng đường 40 năm với bao khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ Thừa luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương anh hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và nỗ lực, phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh”.
Phát triển giao thông là “đòn bẩy” giúp huyện Thủ Thừa có thêm những bước tiến dài trong phát triển KT-XH
Trong 10 năm gần đây, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện đạt những thành tựu quan trọng, làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, nhất là đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Nếu trước đây, người dân sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, manh mún, kém hiệu quả thì mấy năm nay dần chuyển sang hướng đi mới. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, hình thành các khu sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao: Chanh Tân Thành, nếp Long Thuận,...
Bên cạnh những bước tiến về nông nghiệp, huyện đạt nhiều thành tựu quan trọng khác trong phát triển KT-XH. Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 15,67%; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2015-2020 đạt 23,66%/năm; thương mại - dịch vụ trong vòng 10 năm trở lại đây phát triển mạnh mẽ và chiếm 15% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thu ngân sách tính đến tháng 9/2022 hơn 236 tỉ đồng, gấp 3,1 lần so với năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2021 tăng 13,06%/năm,...
Hiện huyện có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 17,18 tiêu chí nông thôn mới; có 23/32 trường đạt chuẩn quốc gia; 8 xã đạt chuẩn văn hóa; thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; hoàn thành lộ trình xây dựng 12 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế;...
Ông Trần Thế Luân cho biết: “Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm giữ vững khối đoàn kết trong toàn Đảng, là hạt nhân lãnh đạo, tạo sự đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận trong xã hội, giữ mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; phát huy dân chủ, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp phát triển. Thủ Thừa phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chung, đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện. Theo đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nhất là cải thiện, nâng cao mức sống của người dân,...”.
Nhìn lại chặng đường 40 năm gian nan, vất vả và những thành tựu qua từng giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ Thừa càng tự hào. Đó cũng là động lực để huyện tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.
An Nhiên