Tiếng Việt | English

26/12/2022 - 12:40

Ngôi miếu cổ bên dòng kênh Thủ Thừa

Miếu Bà Thiên Hậu là ngôi miếu cổ ở thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, cũng là nơi ghi dấu văn hóa của người Việt gốc Hoa tại Thủ Thừa nói riêng và Long An nói chung.

Cổng và bên trong miếu Bà Thiên Hậu có nhiều chữ tiếng Hoa song song với tiếng Việt

Không ai ở Thủ Thừa biết chính xác miếu Bà Thiên Hậu được xây dựng từ khi nào nhưng Ban Quản trị miếu thông tin rằng, trên câu đối tiếng Hoa ở gian thờ chính có dòng chữ thể hiện năm 1899. Có thể, miếu được xây dựng vào năm 1899 hoặc trước đó và được gìn giữ đến tận bây giờ.

Giữa phố thị hiện đại, ngôi miếu cổ nhuốm màu thời gian trầm mặc hướng ra dòng kênh Thủ Thừa. Tuy đã qua 2 lần trùng tu nhưng miếu vẫn giữ nét cổ kính và đặc trưng của người Hoa, thể hiện ở kiến trúc và hoa văn trang trí. Phía cổng chính và khuôn viên bên trong miếu đa số là các dòng chữ tiếng Hoa. Ngoài các câu đối, hoành phi, bình phong, những bảng vàng ghi danh người đóng góp xây dựng, trùng tu miếu cũng được ghi bằng tiếng Hoa song song với tiếng Việt. Được biết, các tiểu tượng trang trí ở mái và phía cổng trước, cổng sau của miếu được làm bằng gốm tráng men xanh ở lò gốm Cây Mai - lò gốm nổi tiếng của người Hoa tại Chợ Lớn.

Chánh điện miếu Bà Thiên Hậu

Cũng như các miếu Bà Thiên Hậu khác, miếu Bà Thiên Hậu tại huyện Thủ Thừa thờ bà Thiên Hậu, 2 bà phò tá và nhiều vị thần khác, tùy vào tín ngưỡng của từng địa phương. Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Tấn Quốc từng nhận định, miếu Bà Thiên Hậu là cơ sở tín ngưỡng dân gian đẹp nhất của văn hóa Hoa còn lại ở Long An, phản ánh lịch sử định cư và cộng cư của cộng đồng người Hoa trên đất Long An trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ.

Ông Hán Cao Sơn - Chánh trực sự Ban Quản trị miếu Bà Thiên Hậu, kể: “Thờ bà Thiên Hậu là tín ngưỡng của người Hoa, bên cạnh thờ Quan Công, Ông Bổn. Cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Thủ Thừa thì thờ bà Thiên Hậu từ hàng trăm năm nay và gìn giữ, lưu truyền cho con cháu. Tuy nhiên, chúng tôi không giữ điều đó cho riêng cộng đồng người gốc Hoa. Những ngày lệ cúng, người Kinh cũng đến cúng viếng.

Ngoài ra, ở đây còn có lớp dạy tiếng Hoa cho con em người Việt gốc Hoa và những ai có nhu cầu học". Lớp học tiếng Hoa được thành lập khoảng năm 2007 và duy trì đến nay vào mỗi tối ngay trong khuôn viên miếu Bà Thiên Hậu. Người đứng lớp là thành viên cộng đồng người gốc Hoa tại thị trấn Thủ Thừa, đồng thời cũng là thành viên Ban Quản trị miếu Bà Thiên Hậu.

Chánh điện miếu Bà Thiên Hậu có bình phong gỗ chữ Phúc và cặp đối liễn "Hải quốc từ hàng tử thứ thành/Bồ điền thánh mẫu khôn nguyên thọ" (theo Ban Quản trị miếu Bà Thiên Hậu)

Cộng đồng người gốc Hoa ở thị trấn Thủ Thừa hiện còn khoảng 60 hộ gia đình. Mọi người chung tay gìn giữ những nét đặc trưng của cộng đồng qua các nghi lễ trong
Lễ hội vía Bà (22-3 và 23-3 Âm lịch): Sư cô tụng kinh bằng tiếng Hoa, chương trình nghệ thuật biểu diễn có một số tiết mục tiếng Hoa,... Theo ông Hán Cao Sơn, trước đây, trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật có hoạt động múa lân, hát hồ quảng để phục vụ người dân đến cúng viếng, vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, về sau, các chương trình, tiết mục mang tính chất giải trí dần được giản lược. Vào những ngày vía Bà, người dân trong vùng, cả người Kinh và người gốc Hoa đều đến viếng, mang theo lễ vật và ước mong một năm công việc thuận lợi, bình an, may mắn.

Sau hơn trăm năm tồn tại, miếu Bà Thiên Hậu được cộng đồng người gốc Hoa gìn giữ đến ngày nay và trở thành biểu tượng của sự hòa hợp, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trên vùng đất Nam bộ nói chung và Thủ Thừa, Long An nói riêng./.

Truyền thuyết về Thiên Hậu trong văn hóa dân gian người Hoa có nhiều điểm dị biệt nhưng tựu trung, bà sinh năm 960, đời Tống, trong một gia đình họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, năm 27 tuổi giã từ cõi đời và hiển linh, đời Nguyên được phong Thiên Phi, đời Khang Hy nhà Thanh phong là Thiên Hậu, tồn tại đến nay.

Từ truyền thuyết chuyển hóa thành tín ngưỡng dân gian, cộng đồng người Hoa đề cao, ngưỡng mộ và tôn thờ Nữ thần Thiên Hậu nhằm thông qua tam gương: đức hạnh, hiếu thảo và xả thân cứu người của bà để giáo dục cộng đồng".

(Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Tấn Quốc)

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết