Tiếng Việt | English

17/07/2017 - 16:53

Thương lắm, hương vị tuổi thơ!

Giữa phố đông tấp nập, bắt gặp hình ảnh mấy cô, mấy dì ngồi nép ở góc đường bán vài loại trái cây quê, chợt thấy lòng bồi hồi đến lạ!


Mua ít trâm, vài trái thị, bình bát, đâu phải chỉ để ăn mà là tìm lại chút hương vị tuổi thơ

Ngoài đường, thấy mấy mẹt trâm, rổ bình bát, chắc là có người sẽ bất ngờ: “Mấy trái này dưới quê có đầy, người ta còn bỏ!”. Ấy vậy mà vẫn bán được đó thôi! Thật ra, mua đâu phải chỉ để ăn, người ta mua là tìm lại chút ký ức tuổi thơ, vì vậy một, hai lon trâm, vài trái bình bát thì đáng bao nhiêu tiền!

Chị Nguyễn Thị Kim Quyên, bán trâm và thị ở góc đường Nguyễn Trung Trực, phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An quê ở tận Chợ Mới, An Giang, mới đến Long An được vài tháng cùng mẹ mưu sinh. Sẵn dịp, có mấy người bà con ở quê hái thị và trâm rừng nên tranh thủ bán để có thêm thu nhập. Chị Quyên nói: “Trâm vào mùa mưa tầm tháng 6, 7 là bắt đầu chín, đến tháng 9 thì hết mùa; trái thị thì kéo dài được qua tháng 10. Ban đầu, tôi cứ nghĩ chẳng ai mua, vậy mà cũng “hút” hàng lắm! Người ta ghé mua chừng 2, 3 trái thị về cho thơm nhà hay ít trái trâm cho mấy đứa nhỏ vì mấy cháu ở thành thị ít biết đến mấy trái mọc dại này!”.

Đúng là, mấy loại trái này dưới quê còn may ra tìm được, trẻ con ở thành, mấy đứa biết đến trái trâm, trái thị hay ô môi, bình bát,...Thuở nhỏ, có lẽ đứa con nít nào cũng từng có lần cầm trái thị trên tay rồi hít hà, ước ao được gặp cô Tấm như trong truyện cổ tích. Bây giờ thì hiếm lắm mới thấy được trái thị chín vàng, thơm nức mũi. Cây trâm ở quê là cây mọc dại, chim ăn rồi nhả hột tự lên, khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc trâm cho trái, bởi vậy mới có bài đồng dao: “Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con…”. Đứa nhỏ “nhà phố” nào mới được ăn trâm lần đầu, có khi còn “nhè” ra vì chát cũng không chừng! Vậy chứ, nó lại là đặc sản của tụi nhỏ miền quê!

Cầm chùm trái chín bóng loáng trên tay mà bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ cứ ùa về. Trái chín thì ngon khỏi nói, trái còn cứng cứng, chát ngầm mà hồi đó đứa nào đứa nấy thi nhau ăn, nhả hột xong nhe cái miệng ra cười tím lịm. Mấy đứa bị sâu răng thì chẳng biết cái nào sâu, cái nào bị trâm “nhuộm” tím. Đứa này nhìn miệng đứa kia cười tít mắt không thôi! Chưa kể, sau giờ tan học, nhiều đứa không chịu về nhà ngay mà lén mẹ leo cây trâm hái trái, ăn xong lấy hột ném qua ném lại, tới lúc cái áo trắng dính đầy đốm tím thì mới giật mình sợ bị đánh đòn,...


Mua ít trâm, vài trái thị, bình bát, đâu phải chỉ để ăn mà là tìm lại chút hương vị tuổi thơ

Chiều qua, đi làm về, tình cờ nhìn thấy một cô lớn tuổi bên rổ bình bát ngoài chợ phường 2 (TP.Tân An), chạy một đoạn, không biết sao lại vòng xe quay lại ngồi trò chuyện. Cô là Nguyễn Thị Loan, năm nay 63 tuổi, quê tận An Giang, theo cha mẹ lên lập nghiệp ở Long An từ năm 1968. Không chồng con, cô ở chung nhà người chị rồi hàng ngày bán đậu hũ chiên kiếm sống. Tới mùa bình bát, người em trai đi giăng lưới dọc đập Bảo Định, thấy trái chín thì tấp xuồng vô hái cho cô bán. Cô cười hiền nói: “Em tôi hái được hơn 3 ký, đưa tôi bán thử xem có ai mua không, giá có 10.000 đồng/kg thôi, vậy chứ cũng bán được kha khá!”.

Nhìn trái bình bát chín vàng, tự dưng nhớ về hồi nhỏ, loài cây này thường mọc dọc mé sông, kênh, rạch. Lá bình bát thì mấy đứa con gái dùng làm “tiền” chơi trò bán hàng, cành thì tụi con trai làm kiếm hay cắt chỗ ngã 3 cột thun làm ná bắn chim. Thuở nhỏ, mấy trái cây “xịn” như chôm chôm, nhãn, xoài,... lâu lâu mới được mẹ mua thì bình bát là món “khoái khẩu” nhất của lũ trẻ!

Ðôi khi mệt nhoài trước cuộc sống hối hả làm con người ta muốn “mua” chiếc vé tàu tốc hành để trở về thời thơ bé - cái thuở cười, khóc vô tư, giận đó rồi hết đó! Tụi nhỏ bây giờ nghỉ hè cũng không dài như thuở trước, rồi tất bật học thêm, học năng khiếu, học ngoại ngữ,... loáng cái lại đến ngày tựu trường thì lấy đâu thời gian được về quê, nằm võng đong đưa, trèo cây, bắt cá, hái trái dại như con nít nhà quê. Đang độ giữa hè, bất chợt thấy hình ảnh rổ bình bát, mẹt trâm tím hay quả thị thơm giữa đường phố tất bật, chợt mỉm cười nhớ thời thơ bé và cũng thoáng buồn, thấy nụ cười mình chẳng còn trong vắt như xưa!

Cát Tường

Chia sẻ bài viết