1. Đầu tháng 6, khi những cơn mưa đầu mùa nặng hạt trút xuống vùng quê nhỏ, con kiến vàng dáo dác tha mồi vội vã về tổ cũng là lúc cây trâm già ở dọc đường Bằng Lăng trút những cái hoa trắng nhỏ xíu cuối cùng bay theo gió, nhường chỗ cho những chùm quả xum xuê.
Thằng Út là đứa háo hức nhất, nghỉ hè là nó chạy ù ra bờ trúc chặt lấy cây dài, thẳng nhất để về làm lồng hái trái. Nó nhỏ xíu, không leo trèo được, nên sáng sớm nào cũng ra đứng ngước lên thăm cây trâm già, coi có chùm nào chín chưa, rồi cẩn thận đưa lồng giật từng trái chín to tròn hơn ngón tay cái xuống, quẹt vô chén muối ớt cay xé lưỡi, vừa ăn, vừa hít hà.
Đám choai choai chúng tôi thấy Út ăn trâm “nghệ sĩ” quá nên xoa đầu nó cười, bảo mày để dành bụng vài bữa ăn cho đã.
Cứ qua một cơn mưa, những mảng xanh trên cây trâm già dần chuyển sang màu mận chín, rồi đến màu đen. Đến độ mỗi cơn gió tạt ngang cũng khiến lũ trâm muồi rụng lộp bộp đầy dưới gốc, nằm trên đám lá khô. Mấy đứa con gái khoái chí xách nón lá ra lượm, phủi phủi, ăn ngon lành.
Lũ con trai choai choai thấy vậy kênh mặt, muốn chứng tỏ bản lĩnh nên về nhà lấy cái mền, rồi 4 đứa căng mền sẵn dưới gốc, kêu 2, 3 thằng to con trèo lên cây.
Tụi nó lựa nhánh nào nhỏ bằng cùm chân, trái chín nhiều rồi leo ra rung mạnh. Trâm rụng như mưa, rơi ra cả ngoài mền, mỗi lần hái kiểu này phải lấy thúng đựng mới đủ.
Thời “trẻ trâu” nên hay ghen ăn tức ở, thà để trâm chín rụng đầy gốc bỏ chứ nhất định không chia sẻ “tài nguyên” cho mấy thằng xóm dưới. Hồi đó, mỗi bận phát hiện có “địch” xâm nhập gốc trâm già, mấy đứa con trai chúng tôi lập tức hú nhau ra núp quanh gốc. “Địch” leo lén, bị kiến cắn đã đời, chắt chiu từng chùm trái bỏ vô áo thun rồi cột lận lại, đến khi tuột xuống liền bị chúng tôi thủ nạn ná chặn lại. Mấy thằng "ốm đói" lỡ thế không xuống đất được, bụng lận đầy trâm như bụng ông Địa nên cũng không còn sức trèo ngược lên, đành ôm gốc trâm khóc bù lu bù loa, đợi người lớn ra giải cứu.
2. Bữa đi làm qua đường Nguyễn Trung Trực, thấy có chị đội nón lá mặt hiền khô ngồi ở góc đèn đường rao “Trâm chín đầu mùa đây cô bác ơi!”. Nhìn chị đội nón tả tơi, khuôn mặt cháy nắng đẫm mồ hôi, nụ cười nhà quê cùng cái mẹt trâm chín đen, chén muối ớt bên cạnh, chợt thấy tuổi thơ nhè nhẹ ùa về.
Cây trâm lớn lên cùng những đứa trẻ nghèo ở vùng quê, quanh năm chỉ biết chừng đó món ô môi, bình bát. Mỗi độ lũ về, cây trồng thi nhau chết, chỉ có cây trâm già xù xì vẫn đứng hoài. Dân chài lưới trong xóm bảo nhau đến vạt da trâm, đem về bỏ vô khạp ngâm, đợi ra thứ nước nhuộm màu cánh gián, mùi hăng hăng rồi lấy chài, lưới ngâm vào cho chắc, xài lâu hơn đến mấy mùa.
Mấy bận chị hai ra thị trấn học, ba tìm mấy lóng gỗ trâm ngâm dưới ao đem xẻ ra, rồi đóng cái rương đựng sách vở; phần dư, ông làm thêm cái giá sách để anh em tôi có chỗ xếp truyện tranh. Ba bảo gỗ trâm chắc thiên thu, mối mọt cũng phải ê răng, để dành đến đời con cháu xài vẫn tốt.
Thoát cái đã hơn 20 năm, đường Bằng Lăng giờ vẫn rợp hàng chuối xanh mút tầm mắt như ngày nào, nhưng những cây trâm xù xì bây giờ ngày càng vắng bóng. Chúng bị đốn bỏ để trồng cây ăn trái có giá trị hơn. Có hôm, thấy thằng cháu, buổi trưa tan học quên cơm, trèo tuốt trên đọt trâm, quần áo dính đầy mủ, gọi nó xuống quất cho mấy roi mếu máo, rồi chợt thấy mình vô lý. Những nhát roi như quất vu vơ vào những năm tháng đã qua đi của cuộc đời...
Tôi tấp xe vào lề, ngồi chồm hổm bên mẹt trâm của chị, chị cười bảo cứ ăn thử, không mua cũng được. Lấy một trái chín muồi quệt muối ớt, chưa kịp ăn đã chảy nước miếng. Trái chín có vị ngọt của quê hương, vị chát, chua, cay của năm tháng bon chen. Mua mớ trâm, rồi ngồi bệt đất ăn ngon lành, như kiểu hồi xưa. Ăn đến độ bụng nghe nặng, lưỡi sắp đông cứng lại vì thứ nhựa màu tim tím đọng lại, nhưng vẫn cảm giác thiếu thứ gì đó không tả được, chợt ngây người vì nhận ra mình thành người lớn mất rồi!
Thụy Du