Tiếng Việt | English

30/11/2018 - 09:53

Thương lắm quê hương thứ hai!

Long An là vùng đất năng động, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đó, có hàng ngàn lao động nhập cư đến làm việc, sinh sống. Dù là người nơi đâu nhưng khi đến Long An lập nghiệp, họ đều xem vùng đất hiền hòa, nghĩa tình này là quê hương thứ hai.

Nơi tình yêu bắt đầu

Long An không chỉ nổi tiếng với gạo Nàng thơm Chợ Đào, bánh in Long Hựu, lạp xưởng Cần Đước,... nơi đây còn được biết đến là mảnh đất hiền hòa, con người chân chất, thật thà và mến khách. Những năm qua, thực hiện chính sách thu hút đầu tư nên có nhiều doanh nghiệp tìm đến Long An đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hàng ngàn lao động từ khắp nơi đến làm việc và họ đều xem đây là quê hương thứ hai của mình.

Cách đây 8 năm, chị Phan Kim Hằng (quê tỉnh Sóc Trăng) theo bạn đến TP.Tân An học nghề uốn tóc và trang điểm cô dâu. Lần đầu tiên xa nhà, sống một mình trong căn nhà trọ chưa đầy 30m2, chị Hằng cảm thấy cô đơn và lạc lõng nơi xứ người. Lúc đó, chị hy vọng khóa học sớm kết thúc để về quê lập nghiệp. Vậy mà khi ở Long An được 4 tháng, chị đã yêu, đã mến mảnh đất này tự lúc nào không hay. Chị Hằng tâm sự: “Tôi ở quê mới lên, lần đầu tiên sống xa nhà nên không dám làm quen với ai, vì sợ bị lừa gạt. Dường như biết được suy nghĩ và sự lo lắng của tôi, nhiều anh chị trong dãy nhà trọ lân la hỏi chuyện, dần dần tôi thích nghi với cuộc sống mới. Hơn hết, chính mảnh đất này giúp tôi quen anh và có được một tình yêu chân thành, gia đình hạnh phúc”. Xác định Long An là quê hương thứ hai nên khi về làm dâu, chị Hằng luôn chăm chỉ, hiếu thảo với cha mẹ chồng. Giờ đây, chị mở được tiệm uốn tóc, trang điểm cô dâu nho nhỏ. Chồng chị Hằng chia sẻ: “Biết vợ xa quê, còn “lạ nước lạ cái”, tôi luôn ở bên chia sẻ, động viên. Còn ba mẹ tôi cũng thương yêu Hằng như con gái ruột, có chuyện gì không phải là nhẹ nhàng khuyên răn”.

Long An chính là nơi bắt đầu tình yêu đẹp của chị Trịnh Hải Yến

Long An chính là nơi bắt đầu tình yêu đẹp của chị Trịnh Hải Yến

Vì cuộc sống mưu sinh, 21 tuổi, chị Trịnh Hải Yến (quê Cà Mau) lên TP.Tân An mưu sinh. Ban đầu, chị làm việc tại đại lý bia. Và tại đây, chị nên duyên vợ chồng với anh Đào Văn Tài (quê Bến Tre). Anh Tài nói: “Chúng tôi là những người ở các tỉnh khác đến Long An để mưu sinh. Chính điểm chung này giúp chúng tôi đồng cảm và yêu thương nhau nhiều hơn. Nếu không đến Long An, tôi sẽ không gặp được em - người phụ nữ nết na, thùy mị và luôn sống vì người khác. Giờ đây, niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi càng được nhân lên khi sinh được bé gái kháu khỉnh và sắp mua được căn nhà để an cư, lạc nghiệp”. Còn đối với chị Yến thì Long An không chỉ là nơi tình yêu bắt đầu mà chị còn cho rằng mình nợ mảnh đất ân tình này rất nhiều. Chị Yến tâm sự: “Mảnh đất này cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp và cả những món “nợ” ân tình. Một lần đi làm về khuya, tôi bị tai nạn giao thông, may nhờ có những người Long An nhiệt tình, chở tôi đến bệnh viện, đóng viện phí và gọi điện cho người thân. Nếu không có sự giúp đỡ đó chắc tôi không có được ngày hôm nay”.

Chị Hằng, chị Yến, anh Tài là những người ngoài tỉnh, ban đầu đến Long An vì mục đích mưu sinh, vậy mà chữ “duyên”, chữ “nợ” đã giúp họ gắn bó với mảnh đất này đến hôm nay.

“Đất lành chim đậu”

Long An là vùng đất năng động, thu hút nhiều người ngoài tỉnh đến lập nghiệp. Anh Phạm Văn Tám (quê Bình Thuận) nói: “Tôi không quan niệm mình sinh ra ở đâu thì lập nghiệp ở đó. Ngược lại, ở đâu có cuộc sống tốt thì mình định cư. Giờ đây, tôi có hộ khẩu tại Long An, có nhà, việc làm ổn định và đây quê hương thứ hai của mình”. Cách đây gần 20 năm, anh Phạm Văn Tám khăn gói vào TP.HCM làm công nhân rồi kết hôn cùng chị Nguyễn Thị Lâm Tuyền (quê huyện Cần Đước), sau đó chuyển về Cần Đước sinh sống bằng nghề đãi đám tiệc. Trong quá trình làm việc, anh Tám được các đầu bếp chia sẻ kinh nghiệm rồi mạnh dạn vay mượn tiền người thân mở dịch vụ nấu ăn Tám Tuyền. Anh chia sẻ thêm: “Người Long An sống tình nghĩa lắm! Lúc mới mở dịch vụ nấu ăn, không có tiền mua chén dĩa, bàn ghế,... vậy là các cửa hàng sẵn sàng bán thiếu, đến khi nào làm có tiền thì trả. Còn những người trong khu phố thì giới thiệu dịch vụ nấu ăn của gia đình tôi đến với người quen. Chính sự nhiệt tình đó giúp vợ chồng tôi có được cuộc sống khá giả như hôm nay”.

Dù cuộc sống ở Long An đủ ăn, đủ mặc, không mấy khá giả nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Miến, chị Nguyễn Thị Thêm cảm thấy rất vui và hạnh phúc

Dù cuộc sống ở Long An đủ ăn, đủ mặc, không mấy khá giả nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Miến, chị Nguyễn Thị Thêm cảm thấy rất vui và hạnh phúc

Không riêng anh Tám, gia đình bà Nguyễn Thị Miến (quê tỉnh Hưng Yên) cũng chọn quê hương Cần Đước để lập nghiệp. Bà Miến cho biết: “Lúc còn ngoài Bắc, gia đình tôi khó khăn lắm nên theo người bà con vào Nam lập nghiệp. Ban đầu, chúng tôi làm việc tại TP.HCM, sau đó chuyển về xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước thuê mặt bằng mở nhà máy xay lúa, các con thì làm công nhân. Nhờ sự ủng hộ của người dân xung quanh mà nhà máy tôi ngày càng đông khách. Cách đây 6 năm, chồng tôi qua đời nên hai vợ chồng người con út về phụ tôi làm nhà máy”.

Sống ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước hơn 10 năm, gia đình bà Miến rất được lòng người dân xung quanh. Chị Nguyễn Thị Thêm (con dâu bà Miến) vui vẻ nói: “Người Long An hào phóng, hiếu khách lắm! Có món gì ngon, hàng xóm cũng mang sang mời gia đình tôi và khi có món đặc sản, chúng tôi mang sang mời hàng xóm. Nhớ lúc gia đình tôi khó khăn, một số người cho mượn tiền không lấy lãi. Cuộc sống của gia đình tôi bây giờ tốt hơn trước nhiều!”.

Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương khác nhau nhưng họ lại chọn Long An làm quê hương thứ hai và gắn bó với mảnh đất hiền hòa, mến khách này./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết