“Anh có thể yêu thương em được không?”. Tiễn chị hết con ngõ dài mà câu hỏi của chị với chồng, vẫn cứ vẳng bên tai tôi. Không biết có phải do ngoài kia trời đang sụp tối không mà bất chợt tôi cũng thấy lòng trĩu nặng. Câu hỏi ấy, nghe cứ như một lời kêu cứu.
Nếu chỉ nhìn chị, chỉ thấy những thứ chị đang có, chắc nhiều người sẽ cho rằng, cuộc sống của chị quá viên mãn. Chị có đủ tiền để mua mọi thứ mình thích mà không phải đắn đo. Son phấn, giày dép, túi xách của chị nhiều như một cửa hàng thời trang và đương nhiên có vô số món chị chỉ dùng vài lần, thậm chí chưa từng đụng đến sau khi rinh về. Chồng chị phong độ, thành đạt, con cái nếp tẻ đầy đủ... Chị còn đòi hỏi gì hơn thế nữa?
“Chị cần anh yêu thương, quan tâm chị như một người đàn bà - một người vợ. Trong khi đó, anh chỉ coi chị như người giữ nhà, chăm sóc con anh, lo cho mẹ anh. Chị buồn hay vui, thực sự mong muốn điều gì, anh đều không để ý. Anh vẫn luôn cho rằng, anh làm ra tiền, đưa cho chị là đủ. Chị cũng không được biết đến công việc của anh. Chị không được gặp, được đi chơi với bạn hay với cơ quan, đồng nghiệp. Chị mệt hay khỏe, thích hay không thích không quan trọng, khi anh có nhu cầu là chị phải chiều. Yêu thương gì như thế?”.
Sớm mai ra đường, thấy có người đàn bà ngồi trong chiếc xe hơi bóng loáng sượt qua mình là tủi thân, đôi tay cầm lái xe máy lâu ngày cồm cộm vết chai nghe sao nặng trịch. Ngày rảnh rỗi, lướt Facebook, thấy bạn bè khoe quà chồng tặng, khoe con bụ bẫm, khoe nhà mới xây, khoe những chuyến nghỉ dưỡng sang chảnh... tự nhiên hoài nghi về mình.
Tự hỏi phải chăng mình không được đẹp, mình không được giỏi, mình không biết cách giao tiếp, không thấu đạt nhân tâm? Ý nghĩa đời sống con người, nhất là đàn bà, phải chăng chỉ quẩn quanh những thứ “vật chất” như thế? Đàn bà thật ra mưu cầu điều gì?
Tôi nhớ, ngày mình ôm bó hoa cưới đứng trên bậu cửa nhà chồng, tiễn cha mẹ và các em ra về, sau lưng là tiếng cười nói của họ nhà trai mừng cô dâu mới. Lúc ấy, tôi như thấy vai cha có vẻ rủ xuống, mắt mẹ hoe đỏ.
Cả tuổi thanh xuân, cho đến thời điểm đó, tôi mới hiểu thế nào là cảm giác bơ vơ - cảm giác như mình vừa lao vào giữa dòng sông rộng mà không một ai có thể cứu được. Khoảnh khắc ấy, tôi thèm lắm một bàn tay hay chí ít là ánh mắt cảm thông của chồng. Nhưng anh đang bận uống bia.
Suốt những ngày sau đó, anh vẫn không thể hiểu rằng, với tôi từng góc sân, cái bàn cái ghế, từng khuôn mặt người còn nhiều lạ lẫm. Anh không thể hiểu sự trằn trọc của tôi mỗi đêm. Tôi chưa quen được với việc ngủ ở nơi không phải nhà mình. Tôi không hề thấy vui hay hớn hở trong ký ức gia đình không có mình. Tôi không thể chạm vào tay mẹ chồng hay ôm ngang lưng bà như mẹ mình.
Tôi cần sự giúp đỡ, bằng tình yêu và sự thấu hiểu từ anh. Tôi nhớ mình từng thiết tha mong anh đứng về phía tôi, dù chỉ một lần, trước những bắt bẻ khắc nghiệt của mẹ chồng. Tôi ước lúc đầu bù tóc xổ cho con ăn, dỗ con nín, thức suốt đêm khi con sốt, có một cái ôm thương yêu của anh.
Nhưng không. Chỉ mình tôi loay hoay. Sự bơ vơ ấy cùng những va đập tính cách, nỗi nhọc nhằn khi sinh nở, nuôi con khiến tôi như không còn là mình. Có nhà, có xe, có chồng, có con, có tiền... nhưng tôi vẫn không thấy có hạnh phúc. Rất nhiều lần trong đời mình, tôi sống trong nỗi mong chờ con nhanh lớn, cho mình nhanh già và đời mình chóng hết.
Biết bao lần trong quãng đời làm vợ, làm mẹ, tôi đã nghĩ, hay mình bỏ gánh xuống, để sống nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác, tôi không dám, mặc thời gian trôi. Đến lúc giật mình, chỉ biết thốt lên trong thinh lặng: “Ta đã làm chi đời mình vậy?”. Tôi có nên ngừng cố mỉm cười, ngừng lặng im gánh nỗi ấm ức? Nên chăng tôi học theo chị - nhìn thẳng chồng mà hỏi: “Anh có thể yêu thương em được không?”./.
nld.com.vn (phunuonline.com.vn)