Tiếng Việt | English

30/06/2017 - 16:40

Tiền Giang: Người chăn nuôi ồ ạt bán tháo lợn để tự "cứu mình"

Do không đủ vốn để đầu tư thức ăn và bị thương lái ép giá, nhiều chủ trại lợn tự giết mổ đàn lợn bán chạy để tự "cứu mình".

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Tiền Giang không còn hy vọng vào giá lợn sẽ tăng trở lại; đồng thời không còn khả năng để cầm cự, giữ đàn lợn do không đủ vốn để đầu tư thức ăn và đang bị thương lái ép giá. Nhiều chủ trại lợn tự giết mổ đàn lợn bán chạy để tự "cứu mình".

Một điểm bán thịt lợn "lưu động" do chủ trại lợn bày bán
Ở thời điểm này, từ vùng thành thị đến nông thôn ở Tiền Giang tại các ngã ba, ngã tư hay ven đường, nơi công cộng đã xuất hiện nhiều điểm bán thịt lợn "lưu động". Điều đáng lưu ý, chủ các quầy thịt này không phải là các hộ tiểu thương mà chính là chủ các trại lợn.

Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, sau một thời gian dài "gồng mình" giữ đàn, nay lợn đã quá lứa, thức ăn không giảm. Trong khi thương lái cứ mạnh tay ép giá, người nuôi phải bán lợn dưới 2 triệu đồng/tạ. Với mức giá này, người nuôi phải thua lỗ 1,5 triệu đồng/tạ. Để tự cứu mình, các hộ chăn nuôi tự tìm cách mở các sạp bán lẻ thịt lợn để tiêu thụ dần đàn lợn đang nuôi, giảm bớt thiệt hại.

Bà Huỳnh Thị Duyên, chủ trại lợn hơn 300 con ở ấp Bình Thọ Thượng, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo cho biết, mỗi ngày giết mổ 3 con lợn để bày bán lưu động.

"Bây giờ mình mổ bán cũng lỗ nhưng đỡ hơn một chút, kiếm thêm vài trăm ngàn. Một con lợn giờ mổ ra lỗ 1 triệu, còn bán lợn hơi lỗ 1,5 triệu đồng", bà Duyên chia sẻ.

Người chăn nuôi xẻ thịt đàn lợn để tự "giải cứu" mình
Tại các quầy bán thịt lợn này bán ra giá từ 20-30 ngàn đồng/kg hoặc bán 3 kg thịt lợn là 100 ngàn đồng. Nhiều hộ nuôi ít vốn không thể duy trì đàn lợn còn mổ lợn chưa tới lứa (dưới 100kg) để quay bán với giá 100 ngàn đồng/kg.

Hầu hết các điểm bán thịt lợn "lưu động" này khá đông khách vì người dân địa phương cho rằng, chất lượng thịt lợn rất tốt, giá vừa túi tiền và mua thịt lợn để giúp người nuôi giảm khó khăn.

Tỉnh Tiền Giang là nơi có đàn lợn lớn ở ĐBSCL. Toàn tỉnh có hơn 500 ngàn con lợn thương phẩm; trong đó số lợn quá lứa đến hàng chục ngàn con. Trước sự tự "giải cứu mình" của người chăn nuôi, thiết nghĩ các ngành, các cấp ở địa phương cần có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nuôi lợn giảm bớt khó khăn nhất là đầu ra cho đàn lợn./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL 

Chia sẻ bài viết