Mừng ngày sân khấu, nhớ ơn tổ nghiệp
Hàng năm, cứ đến ngày 12/8 âm lịch, những người hoạt động sân khấu lại họp mặt để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân có công khai sáng nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Tại Long An, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng phối hợp tổ chức buổi họp mặt ngày Sân khấu và kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn NTCL Long An vào ngày 29/9/2017.
Các tiết mục biểu diễn trong ngày họp mặt ngành Sân khấu là lời tri ân tổ nghiệp
Đây là dịp để các thế hệ NS của Đoàn NTCL Long An cùng bày tỏ lòng tri ân với Tổ nghiệp. Lòng tri ân ấy không chỉ là những nén hương dâng lên bàn thờ tổ mà còn thể hiện qua lời ca, tiếng hát. Mở đầu chương trình văn nghệ là liên khúc "Mừng ngày Sân khấu, nhớ ơn Tổ nghiệp" do các NS: Võ Thành Phê, Phùng Ngọc Bảy và Hoàng Oanh biểu diễn. Liên khúc là lời tri ân, cũng là tiếng lòng của người NS. Dù còn những thăng trầm, người NS vẫn vui dưới ánh đèn sân khấu,... Và, khi vào các vai diễn từ ông hoàng, bà chúa đến những người bần cùng của xã hội, họ có thể khóc, cười cùng nhân vật. Đó là niềm vui của người NS.
So với những lần họp mặt kỷ niệm ngày Sân khấu của các năm trước, năm nay, các thế hệ NS từng gắn bó một thời với Đoàn NTCL Long An trở về khá đầy đủ. Ngoài 2 gương mặt thân quen, luôn theo sát hoạt động của đoàn là NSƯT Hữu Lộc, NSƯT Ánh Hồng, còn có NSƯT Phượng Loan, NSƯT Tuyết Ngân, NSƯT Đoàn Dự và NS Thanh Tâm.
Trở về nơi từng gắn bó một thời trong nghiệp cầm ca, NS Phượng Loan bồi hồi nhớ những ngày hát chính trong Đoàn NTCL Long An từ năm 1987 đến 1991. NSƯT Phượng Loan cho rằng: "Lâu rồi, tôi mới trở về đoàn. Lần này trở lại, được dâng hương lên bàn thờ Tổ nghiệp và gặp các anh, chị em NS của đoàn, tôi rất vui! Đặc biệt, nhìn thấy lực lượng diễn viên của đoàn ngày nay rất trẻ, có tài năng nên tôi tin, Đoàn NTCL Long An đủ sức tiếp tục gìn giữ, phát huy loại hình sân khấu truyền thống này".
Ngoài diễn viên gạo cội của đoàn, buổi họp mặt còn có sự tham gia biểu diễn của các NS "vàng" trong sân khấu cải lương: NSND Lệ Thủy, NSƯT Kim Tử Long và NS Chí Tâm. Qua các tiết mục biểu diễn, các NS như gửi gắm niềm tâm sự: Tình yêu cải lương mãi đong đầy, như con tằm đến thác còn vương tơ. Và các NS mong rằng, đội ngũ trẻ của Đoàn NTCL Long An luôn tích cực học tập để giữ gìn, phát huy nghiệp Tổ.
Mãi phát huy truyền thống
NTCL Long An được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng tình yêu của các NS. "Từ gánh hát bội của Nguyễn Quang Đại lập ra ở xã Tân Lân; trường hát bội ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước đến giai thoại về Huỳnh Duy Ngạn - người đặt nền móng cho nghề hát bội ở đất Tân An xưa đều là những tư liệu ghi dấu bộ môn nghệ thuật truyền thống sớm hình thành ở đất Long An. Những năm chiến tranh, ngành Sân khấu Long An tiếp tục có sự đóng góp của 2 đoàn Văn công giải phóng Long An và Kiến Tường với nhiều vở tuồng phục vụ kháng chiến. Còn bây giờ, Đoàn NTCL Long An, Đoàn Xiếc nhân dân Long An, Trung tâm Văn hóa tỉnh là lực lượng chủ yếu gìn giữ, phát huy những tinh hoa của ngành Sân khấu" - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Nhân dịp họp mặt, cùng nhìn lại chặng đường hoạt động suốt 40 năm của Đoàn NTCL Long An, tất cả những đóng góp đều đáng trân trọng và tự hào. NS Trần Minh chia sẻ: "Thế hệ đi trước có công khai sáng và đưa bộ môn cải lương ngày càng lan tỏa. Là thế hệ diễn viên trẻ, tôi sẽ mãi rèn nghề để gìn giữ, phát huy những tinh hoa của ngành Sân khấu".
Để sân khấu mãi sáng đèn và thế hệ tác giả, diễn viên trẻ được phát huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên nhấn mạnh: “Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ tập trung sáng tạo; tổ chức thường xuyên các trại sáng tác và chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu trẻ. Đồng thời, chú trọng định hướng trong sáng tác và biểu diễn; có phương hướng hoạt động phù hợp, hiệu quả nhằm quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đến người xem, gắn kết hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với nghệ thuật quần chúng và hoạt động lý luận, phê bình nghệ thuật sân khấu với thực tiễn địa phương”.
Buổi họp mặt khép lại! Cảm ơn sự yêu nghề, gắn bó của các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, nhất là lực lượng trẻ chọn sân khấu Long An làm nơi cống hiến. Từ đó, góp phần mang đến làn gió mới cho sân khấu tỉnh nhà và nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của người dân./.
Thùy Hương - Phạm Ngân