Tiếng Việt | English

29/05/2023 - 08:41

Tiểu đoàn 263 son sắt một lòng

Về xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hỏi về Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 263 hầu như ai cũng biết. Đó là nơi ghi dấu sự anh hùng của thế hệ cha anh và lòng biết ơn của những người ở lại!

1. Để có mặt ở lễ giỗ CBCS Tiểu đoàn 263 hy sinh tại khu vực Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, bà Phan Thị Gấm (87 tuổi) phải thức dậy rất sớm và cùng gia đình xuất phát lúc 5 giờ 30 phút. Bà Gấm kể: “Tôi ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Em trai và cháu ruột của tôi hy sinh trong trận Cầu Ván này mà mấy mươi năm nay gia đình không hay biết. Mãi sau này mới có cơ hội tìm được. Từ đó, năm nào ở đây tổ chức lễ giỗ, tôi và gia đình cũng đến dự. Tôi dặn con dâu chuẩn bị bánh và trái cây từ hôm trước để sáng nay mang đi sớm”.

Bà Gấm khẳng định, còn sức khỏe là bà sẽ còn đến dự lễ giỗ hàng năm, bởi gia đình bà đã mong mỏi tìm người thân suốt mấy mươi năm ròng rã. Bà nói: “Gia đình chỉ mới biết thông tin cách đây 3 năm, chứ mấy mươi năm rồi, chúng tôi chỉ biết là mất tích mà không biết nơi nào. May mắn là trước giờ ở đây, năm nào người dân cũng làm lễ giỗ. Nhờ vậy tôi cảm thấy ấm lòng!”.

Thân nhân liệt sĩ chuẩn bị lễ vật trong ngày giỗ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263

Nói về Tiểu đoàn 263 hy sinh ở Cầu Ván thì người dân trong ấp hầu như ai cũng biết. Sau trận thắng ở Đồng Sơn (Gò Công) và Quơn Long (Chợ Gạo), trên đường chuyển quân đến ấp Cầu Ván, đơn vị tạm dừng chân tại đây. Bị địch phát hiện, chúng đã huy động Sư đoàn 7 ngụy cùng máy bay, xe tăng, pháo và các loại phương tiện chiến tranh hiện đại. Trong khi đó, Tiểu đoàn 263 đã gần kiệt sức sau 2 trận đánh. Mặc dù tình thế không cân sức nhưng các CBCS Tiểu đoàn 263 đã chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng, quyết không chịu đầu hàng địch và đã anh dũng hy sinh trước sự nể phục của quân thù.

2. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Phạm Văn Lành cho biết: “Sau trận đánh, địch cho bắn pháo hủy diệt trận địa. Chiều ngày hôm ấy, địa phương mới huy động lực lượng dân công và người dân chôn cất thi hài các đồng chí. Và cứ đến ngày 07/4 Âm lịch hàng năm, người dân ấp Cầu Ván đều tổ chức lễ giỗ cho các liệt sĩ đã hy sinh tại đây”.

Kẻ thù tin rằng sau trận đánh ác liệt tại Cầu Ván, tinh thần yêu nước và ngọn lửa đấu tranh sẽ bị dập tắt nhưng không, những mất mát, hy sinh đó chỉ tiếp thêm sức mạnh tinh thần, ý chí quật cường của nhân dân ta trong hành trình đấu tranh giải phóng đất nước. Và một trong những minh chứng cụ thể nhất là việc lễ giỗ các CBCS Tiểu đoàn 263 được tổ chức đều đặn hàng năm cả trong những ngày bị địch kiểm soát gắt gao.

Ông Phạm Văn Lựa (nguyên Bí thư ấp Cầu Ván, người trực tiếp chăm sóc Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 263 trước khi khu tưởng niệm được xây dựng và công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh) từng chia sẻ: “Ngày đó, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ cứ tới ngày giỗ là người dân lén làm con gà, con vịt, nấu mâm cơm nho nhỏ bưng ra góc bờ nơi có nấm mộ tập thể để cúng các chú, các anh. Thời đó, chiến tranh loạn lạc, giặc mà bắt được, chúng sẽ đánh chết nhưng người dân vẫn giữ lệ cúng không sót một năm nào”.

 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Ly - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 263, thắp hương tại khu mộ gió của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván

3. Giờ đây, Khu tưởng niệm CBCS Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván được xây dựng khang trang từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Lễ giỗ được UBND xã chủ trì tổ chức hàng năm và được người dân địa phương, thân nhân các liệt sĩ đồng tình, ủng hộ. Điều đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất cao, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc của tuổi trẻ An Lục Long nói riêng, Châu Thành, Long An nói chung.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn cho biết: “Những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ Tiểu đoàn 263 để lại trong nhân dân và Đảng bộ, chính quyền địa phương sự tiếc thương và lòng cảm phục sâu sắc. Với vai trò địa phương, chúng tôi sẽ quản lý tốt khu tưởng niệm để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Để công trình Khu tưởng niệm CBCS Tiểu đoàn 263 hy sinh tại trận Cầu Ván thêm phần hoàn thiện, UBND huyện Châu Thành dự kiến tiếp tục vận động đầu tư xây dựng hạng mục phù điêu tại khu tưởng niệm thời gian tới. Kế hoạch đó cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài tỉnh./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết