Tiếng Việt | English

01/04/2022 - 09:40

Tìm về nét xưa với gốm thủ công

Nhắc đến gốm, nhiều người nghĩ ngay đến gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng. Nếu miền Bắc có gốm Bát Tràng thì miền Nam được biết đến với gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương),... Đã qua rồi thời hưng thịnh của làng nghề gốm nhưng nhiều cơ sở vẫn cố gắng giữ nghề, truyền nghề như cách giữ lấy những giá trị truyền thống.

Ở một nơi có gốm

Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận “rỉ tai” nhau về một địa chỉ thú vị, vừa có thể tham quan, tìm hiểu về nghề làm gốm, vừa có thể thỏa sức sáng tạo khi được tự tay vuốt, nặn, vẽ,... làm nên một sản phẩm gốm đúng chuẩn thủ công. Đó là Vườn Nhà Gốm - nơi phục dựng và lưu giữ nét xưa với nghề làm gốm thủ công. Đến với Vườn Nhà Gốm như lạc vào không gian của những năm 1970 với cách bài trí đậm chất miền quê.

Đến đây, du khách có thể tìm thấy những vật dụng gắn liền với một thời tuổi thơ của mình như ống đũa con gà, chén, dĩa gốm xanh, bình hoa cổ,... nhất là những chiếc đôn voi nổi tiếng một thời mà chỉ có những gia đình khá giả thời bấy giờ mới mua để trang trí trong vườn nhà. Điểm nổi bật của Vườn Nhà Gốm không chỉ mang đến cho du khách những nét xưa mà đến đây, mọi người còn được trải nghiệm khi tự tay làm cho mình những chiếc bình hoa, chén, dĩa,... hoàn toàn bằng thủ công.

Bộ chén, dĩa từ thời "ông bà ta" mang lại không gian bếp xưa cho gia đình

Bằng niềm đam mê gốm, anh Khang Minh đã chọn vùng đất Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương để lập nên Vườn Nhà Gốm với mong muốn duy trì và phát triển nghề gốm thủ công và hơn hết, anh muốn truyền niềm đam mê đến các bạn trẻ. Theo anh Minh, bất kỳ dòng gốm nào, màu men sẽ quyết định đến chất lượng và thương hiệu. Cái khó của những người làm gốm ở đây là làm sao để tạo ra sắc men giống với gốm Nam bộ xưa. Có những gam màu phải pha từ nhiều loại bột khác nhau và người pha phải biết đong đếm cho hài hòa mới đạt được tiêu chí về màu sắc và bảo đảm độ co giữa xương gốm và men gốm sau khi nung. Mỗi dòng gốm đều có nét đặc trưng mà nhìn từ bên ngoài, người chơi gốm có thể phân biệt được. Gốm Lái Thiêu chủ yếu là trang trí vẽ các con vật, hoa lá, chim muông trên các sản phẩm gia dụng như bát, tô, chén, dĩa, ống đũa; còn gốm Biên Hòa lại nghiêng về nghệ thuật khắc, nổi bật là hình ảnh bách hoa và dây lá nhiều màu sắc. Gốm Cây Mai lại là nghệ thuật đắp nổi, tạo hình.

Nhiều bạn trẻ trải nghiệm làm gốm thủ công

Anh Khang Minh cho biết: "Hiện nay, nhiều người muốn tìm về với những giá trị xưa cũ nên Vườn Nhà Gốm được mở ra vừa giúp anh thỏa mãn đam mê, vừa góp phần lưu giữ nghề truyền thống". Anh đang mở được một số cơ sở tại TP.HCM kết hợp với các công ty du lịch mở tour để du khách đến tham quan, trải nghiệm cách làm gốm thủ công.

Lưu giữ nét xưa

Với mong muốn mang lại cho thực khách cảm giác ấm cúng, bình yên như đang ở quê nhà, nhiều quán ăn bài trí theo phong cách xưa với bụi tre, lu nước và những vật dụng phục vụ bữa ăn cũng mang đậm chất quê như bộ chén, dĩa gốm xưa. Khi đến với quán Bún đậu Quê Nhà (phường 4, TP.Tân An) ấn tượng đầu tiên là nét dân dã với bộ bàn ghế tre, mẹt tre,... Các vật dụng khác như ống đựng đũa, chén, thố,... đều là gốm thủ công với hoa văn, họa tiết từ thời “ông bà ta”. Mặc dù không gian quán khá nhỏ, chưa thể hiện hết nét quê giữa lòng phố thị nhưng nhiều thực khách đến đây cho biết "khá thú vị khi được sử dụng bộ chén gốm xưa vì mang lại cảm giác ấm áp, bình yên đúng chất... quê nhà".

Chị Phương Thảo (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Khi đến những quán sử dụng bộ chén, dĩa gốm xưa, tôi như được sống lại tuổi thơ của mình. Lâu lắm rồi mới thấy lại cái chén con gà, dĩa cô tiên,... cả một vùng trời ký ức như ùa về. Nhìn những vật dụng này, tôi lại nhớ đến gian bếp của bà ngày xưa, giản dị nhưng thật ấm áp và yên bình!”.

Chiếc đôn voi "nổi tiếng" một thời mà chỉ có những gia đình khá giả mới mua trang trí trong vườn nhà

Trong tất bật của cuộc sống hiện đại, chợt lắng lòng khi bắt gặp những hình ảnh quen thuộc một thời. Chính những điều đó đã thôi thúc và là động lực cho những nghệ nhân làm gốm thủ công bám nghề, giữ nghề như giữ lại một giá trị văn hóa./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết