Tiếng Việt | English

16/04/2021 - 09:01

“Chắp cánh” cho tiểu thủ công nghiệp phát triển

Thời gian qua, các sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Long An không chỉ góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp mà còn giúp giải quyết việc làm cho người dân. Để khuyến khích nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển, nhiều chương trình, chính sách được triển khai, thực hiện. Những chương trình, chính sách này “chắp cánh” cho tiểu thủ công nghiệp phát triển.

Mạnh dạn thay đổi phương pháp

Theo chân cán bộ xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh (48 tuổi) tại ấp 3. Dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình, riêng bà Trinh đã hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Năm 2019, bà được UBND tỉnh tặng danh hiệu thợ giỏi trong ngành thủ công mỹ nghệ. Đôi tay thoăn thoắt, bà Trinh đưa từng sợi lác đã phơi khô vào chiếc máy dệt. Chẳng mấy chốc, chiếc chiếu đã được dệt xong.

Năm 2017, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh đầu tư máy dệt chiếu để tăng năng suất sản phẩm

Theo bà Trinh, dệt chiếu bằng phương pháp thủ công thì cần 2 người, trong đó, 1 người đẩy lác vào khung dệt, 1 người dập. Nếu dệt như trước đây thì vợ chồng bà làm được 2 đôi chiếu/ngày, hôm nào làm xiết thì được 3 đôi. Nhận thấy dệt chiếu theo phương pháp truyền thống không mang lại năng suất lao động, năm 2017, bà mạnh dạn đầu tư máy dệt chiếu.

Bà Trinh chia sẻ: “Từ ngày đầu tư máy dệt chiếu, năng suất tăng, công đoạn làm chiếu giảm bớt. Thay vì phải chẻ lác như trước kia thì nay tôi sử dụng lác nguyên sợi để dệt. Hiện tại, chồng tôi đi làm bên ngoài để tăng thêm thu nhập, còn tôi ở nhà dệt chiếu. Sau khi dệt chiếu xong thì đo theo đúng khổ rồi cắt. Máy dệt chiếu có nhiều khổ: 1,2m, 1,4m, 1,6m,... Tôi sử dụng máy khổ 1,2m. Đối với loại máy này, tôi có thể sản xuất chiếu khổ 1m và 0,9m”.

Từ ngày có máy dệt chiếu, mỗi ngày, bà Trinh có thể dệt 20 đôi chiếu, bán 27.000 đồng/đôi. Các sản phẩm chiếu của bà chủ yếu tiêu thụ tại Long An và TP.HCM. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Tân Trụ - Đặng Ngọc Hòa, làng nghề truyền thống dệt chiếu Nhựt Tảo đã có từ lâu đời. Hiện nay, thợ dệt theo phương pháp truyền thống còn rất ít, đa số đã chuyển sang dệt máy. Phương pháp này vừa nhanh, vừa mang lại năng suất cao.

“Thổi hồn” vào những sản phẩm kim hoàn

Cách thị trấn Cần Giuộc hơn 10km, nghề chế tác kim hoàn (làm bạc) tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống năm 2020. Theo nhiều người nhận xét, các sản phẩm kim hoàn ở đây có chất lượng tốt, được làm tinh xảo, đẹp mắt.

Ông Đặng Hồng Sơn chế tác kim hoàn theo phương pháp truyền thống. Theo ông, khách nước ngoài rất chuộng những sản phẩm làm thủ công

Hơn 35 năm gắn bó với nghề chế tác kim hoàn, ông Đặng Hồng Sơn (56 tuổi), ngụ ấp Thuận Tây 1, rất tâm huyết với nghề. Mặc dù có máy móc hỗ trợ một số công đoạn nhưng cơ sở của ông chủ yếu làm theo phương pháp thủ công. Cơ sở của ông Sơn có gần chục lao động, bao gồm thợ làm tại chỗ và thợ lãnh sản phẩm về nhà gia công. Hiện nay, làm bằng máy thì có thể sản xuất với số lượng lớn và các sản phẩm đều nhau đến từng chi tiết, tuy nhiên theo ông Sơn, làm theo phương pháp thủ công cũng có cái hay riêng.

Ông Sơn chia sẻ: “Với tôi, mỗi sản phẩm kim hoàn được chế tác bằng phương pháp thủ công đều có cái “hồn” riêng. Thời gian chế tác sản phẩm thủ công lâu hơn làm bằng máy, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Mẫu mã sản phẩm có thể do thợ tự thiết kế hoặc làm theo yêu cầu của khách, thông thường, khách nước ngoài rất chuộng những sản phẩm làm thủ công. Làm nghề này phải học cả đời, phải yêu nghề thì mới làm được, đây là công việc của sự sáng tạo, tỉ mỉ. Từng thử làm qua nhiều loại trang sức: Vòng tay, nhẫn, bông tai, dây chuyền,... nhưng tôi chọn chế tác dây chuyền vì thấy mình phù hợp”.

Rời cơ sở của ông Sơn, chúng tôi đến thăm cơ sở làm bạc của ông Trịnh Hoàng Long. Gần 10 giờ, không khí làm việc tại xưởng khá nhộn nhịp. Ông Long cho biết, hiện cơ sở tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động. Với những thợ lành nghề có thể chế tác ra một sản phẩm kim hoàn hoàn chỉnh thì làm hưởng theo sản phẩm, thợ đang học nghề thì được bao ăn, ở và trả lương theo tháng.

Anh Nguyễn Phi Long (35 tuổi) là một trong những thợ lành nghề tại cơ sở chế tác kim hoàn của ông Long. Trò chuyện cùng anh Phi Long khi anh đang thực hiện công đoạn gắn mẫu, hoàn thành sản phẩm, anh bật mí: “Trong 20 năm gắn bó với nghề, tôi thấy công đoạn nào cũng quan trọng như nhau. Người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ khi làm việc, ngoài mẫu mã thì một sản phẩm kim hoàn đẹp phải đều, bạc phải sáng, mịn. Một sản phẩm hoàn chỉnh trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó, lên mẫu và sửa mẫu được xem là những công đoạn khó nhất, đòi hỏi người thợ phải thật giàu kinh nghiệm. Từ những điều căn bản được học, tôi tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm nghề bởi công việc này phải trau dồi, học hỏi không ngừng”.

Có dịp ghé thăm các cơ sở chế tác kim hoàn tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc mới thấy hầu hết sản phẩm gia công và chế tác đều sáng tạo về mẫu mã. Nghề này mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ làm nghề và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Khuyến khích phát triển bằng nhiều chính sách hỗ trợ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 làng nghề, 7 làng nghề truyền thống, 4 nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp như chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại.

Nghề truyền thống chế tác kim hoàn tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tạo việc làm ổn định cho người lao động

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt cho biết: “Việc thực hiện chính sách khuyến công góp phần khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm. Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp (từ cấp huyện, tỉnh, khu vực, quốc gia) góp phần hỗ trợ các đơn vị được chứng nhận, thuận lợi trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước. Song song đó, các chương trình xúc tiến thương mại góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm và hoạt động này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực đối với các cơ sở có quy mô nhỏ muốn tiếp cận thị trường”.

Thời gian qua, chương trình xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về Long An trong ngành thủ công mỹ nghệ cũng tạo được sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Từ chương trình đã công nhận, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi có nhiều đóng góp trong bảo tồn và phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các nghệ nhân, thợ giỏi đạt danh hiệu sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi khác.

“Thời gian tới, để khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thực hiện những chương trình đã triển khai trong thời gian qua; đồng thời, mở rộng thêm nhiều nội dung mới, thiết thực như kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các trung tâm thương mại, điểm dừng chân” - ông Nguyễn Anh Việt nhấn mạnh./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích