Đại biểu dự hội thảo xem trưng bày tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Hội thảo quốc gia “Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” đã diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2013-2018).
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tổng kết những đóng góp, ảnh hưởng to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam, công cuộc xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà yêu nước vĩ đại, nhà quân sự kiệt suất, nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp, sáng ngời.
Một nhân cách văn hóa cao đẹp
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến, nhấn mạnh nếu tư tưởng Hồ Chí Minh là một đỉnh cao của văn hóa dân tộc, ngọn đèn sáng mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam thì Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng, hai học trò thân cận nhất của Bác, chính là hai người đầu tiên nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh toàn diện, sâu sắc, thực chất, thuyết phục nhất.
Đóng góp to lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho văn hóa dân tộc chính là ở nhân cách văn hóa cao đẹp của Người. Ông là người cộng sản trong sáng, rất mực yêu nước thương dân, suốt đời “dĩ công vi thượng.” Đó là một Tổng tư lệnh đại trí, đại dũng, biết đau với từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của chiến sỹ. Đó là một vị tướng bách chiến, bách thắng nhưng luôn khoan hòa, khiêm tốn.
Nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Đại tướng là người văn võ song toàn. Văn và võ, quân sự và văn hóa, trận mạc và nhân văn đã quyện vào một đời của Đại tướng.
Sau nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ đúc kết: Tướng Giáp “không chém kẻ dưới ngựa.” Đại tướng ấy luôn duy trì quan điểm: Những tù hàng binh Mỹ, thậm chí các tử sỹ Mỹ vùi xác trên đất nước Việt Nam nếu tìm được, cũng tạo điều kiện để đưa về đất Mỹ... Có thể thấy, Người đã thấm nhuần đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”...
Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú Lê Chức ví von cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bản giao hưởng lớn mang “giai điệu” và “hòa thanh” với cuộc sống của đông đảo đồng bào và chiến sỹ, nhân dân cùng thời với ông. Vì thế sự nghiệp và nhân cách con người ông luôn nhận được sự kính trọng của mọi người, tỏa sáng qua nhiều thế hệ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân cách cao thượng, người thấm nhuần và làm rạng rỡ những giá trị văn hóa trong tâm hồn, trong nếp nghĩ, lối sống, phong thái tiếp biến ứng xử và tự thân khơi nguồn cho những khảo cứu, sáng tác để làm giầu cho văn hóa dân tộc đương đại...
Yêu những nét đẹp của văn hóa dân tộc
Nghệ sỹ nhân dân Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), đã có cơ hội được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã chia sẻ những hồi ức đẹp về tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà hát đang thực hiện chương trình hành động hưởng ứng “Thập kỷ thế giới văn hóa vì sự nghiệp phát triển” theo chủ trương của Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Đại biểu dự hội thảo xem trưng bày tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Một số vở tuồng cổ và hơn 20 trích đoạn tuồng cổ mẫu mực được Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tích cực khai thác, dàn dựng lại hoàn chỉnh để biểu diễn phục vụ công chúng, quay phim, ghi hình để làm tư liệu bảo tồn, truyền dạy cho lớp trẻ để chuyển giao thế hệ. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng Nhà hát vẫn rất khó khăn, lúng túng. Nhất là trong định hướng nghệ thuật, vì mỗi nơi là một kiểu, các nghệ sỹ, diễn viên rất hoang mang trong tìm đường lối ra cho tuồng truyền thống.
Thời gian đó, nghệ thuật truyền thống như tuồng đang rất khó khăn nên nghệ sỹ nhân dân Trần Đình Sanh rất băn khoăn, muốn xin Đại tướng lời khuyên về định hướng nghệ thuật trong chặng đường tới của loại hình sân khấu cổ truyền độc đáo này của dân tộc.
Biết những trăn trở, băn khoăn của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp ý chân thành: Nếu làm được cái gì khác mà hay hơn cho tuồng thì nên làm, còn cái gì đã hay rồi, đã hoàn thiện, trác tuyệt rồi thì phải giữ, phải bằng mọi cách giữ cho được. Trên thế giới không ai nghĩ đến chuyện cải tiến nhạc Chopin vì nó đã quá hay rồi. Nghệ thuật truyền thống của ta cũng vậy, cái gì hay thì phải giữ, muốn giữ được phải có quyết tâm, hết sức quyết tâm mới được...
Theo đạo diễn Đào Quang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, rất tâm huyết với ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đối với mỗi một dân tộc, mất đi giá trị truyền thống văn hóa là một điều đáng tiếc. Các giá trị này cần được bảo tồn, phát huy, truyền tải để thấy được màu sắc dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện sự quan tâm đến văn hóa dân tộc trong rất nhiều bài viết. Đại tướng thường đến xem các vở diễn thuộc nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc. Đây là cách Đại tướng động viên các cán bộ làm công tác văn hóa tích cực bảo tồn, giữ gìn, phát huy vẻ đẹp của văn hóa dân tộc.
Nói về Đại tướng, Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng: Tư tưởng, tình cảm của Đại tướng với văn hóa dân tộc, nhất là với các loại hình nghệ thuật truyền thống đã góp phần động viên rất nhiều văn nghệ sỹ. Trong mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở nên gần gũi, thân thương.../.
Theo TTXVN