Mọc lên như nấm
Thời gian gần đây, các điểm bán trà chanh, trà tắc “mọc lên như nấm” trên nhiều tuyến đường lớn trong thành phố và các thị trấn, thị tứ. Mỗi ly trà chanh, trà tắc “khổng lồ”, dung tích gần 1 lít được bán với giá 10.000 đồng luôn thu hút khách.
Chị Nguyễn Kim Loan, bán trà chanh, trà tắc tại chợ Bàu Trai (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cho biết: “Trà chanh, trà tắc đang là loại thức uống “phủ sóng” khắp nơi. Đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những điểm bán trà chanh, trà tắc bình dân trên các vỉa hè, góc phố. Với giá chỉ 10.000 đồng/ly nên rất được ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày, tôi bán vài chục ly, có thời điểm nắng nóng kéo dài, tôi bán gần 200 ly/ngày”.
Chị Lê Thị Thu, bán nước mía, trà chanh, trà tắc ở khu vực chợ đêm Tân An (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An), chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 100 ly trà chanh, trà tắc. Trước đây, tôi chỉ bán nước mía. Sau này, thấy loại thức uống này được nhiều người ưa chuộng nên tôi bán thêm. Loại thức uống này cách làm khá đơn giản mà có lời nhiều, chỉ cần pha trà, cho đường, vắt chanh hoặc tắc vào thôi. Ai mua thì cứ bỏ đá viên vào là xong”.
Những ly trà chanh, trà tắc “khổng lồ” nở rộ khắp nơi
Chủ một quán cà phê trên đường Huỳnh Việt Thanh, phường 2, TP.Tân An, cho hay: “Do trà chanh, trà tắc đang nở rộ nên quán cà phê của tôi cũng bán thêm loại thức uống này. Mỗi ngày bán thêm vài chục ly, cũng kiếm được chút đỉnh”. Hưởng ứng phong trào này, nhiều chủ cửa hàng buôn bán điện thoại, tạp hóa, quán cơm bình dân,... cũng bán thêm trà chanh, trà tắc để theo kịp trào lưu mới mẻ này. Trò chuyện cùng chúng tôi, bạn Bùi Thị Minh Trang - nhân viên văn phòng, cho biết: “Đây là loại nước uống giá rẻ, phù hợp với mọi người. Những bạn đồng nghiệp của tôi là “tín đồ” của loại nước uống này”. Một chủ quán cà phê đang kinh doanh thêm món trà chanh, trà tắc “bật mí”, trà tắc là loại nước “một vốn bốn lời”, nguyên liệu để làm ra một ly trà tắc chỉ khoảng 2.000 đồng nên mọi người đổ xô vào kinh doanh loại thức uống này.
Liêu có an toàn?
Chị Trần Thị Bích Thanh, bán nước giải khát tại chợ Lương Hòa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), thông tin: “Đây là loại thức uống giải nhiệt nhanh chóng và hiệu quả với vị chua ngọt, trái chanh, tắc có quanh năm nên cũng dễ mua, dễ bán. Nguyên liệu trà thì tùy loại như trà túi lọc, trà lài, trà Thái Nguyên. Pha chế bằng các loại này sẽ có hương thơm, có chút đắng nhẹ pha cùng nước cốt chanh, tắc sẽ khiến người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, trà tắc truyền thống còn được thêm nguyên liệu để đa dạng hương vị như cam, chanh dây,... giúp người uống có nhiều sự lựa chọn hơn”.
Tuy nhiên, theo một vài “tín đồ” của món giải khát này, hương vị trà chanh, trà tắc có ngon hay không thì tùy vào cách pha chế của người bán và khẩu vị cá nhân người mua. Đa số pha chế theo kiểu “nhà làm” nên mùi vị không đồng đều, nơi thì trà ngon nhưng ngọt gắt, nơi thì trà nhạt còn vị chanh, tắc quá chua,... Nhiều người cho rằng, ly 1 lít nhưng lượng trà chanh, trà tắc bên trong lại khá ít, chủ yếu là đá viên chiếm khối lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, với mức giá 10.000 đồng/ly thì hầu hết mọi người đều vui vẻ chấp nhận.
Giá rẻ, tiện lợi, dung tích lớn, được bày bán nhiều dọc các tuyến đường, đây là lý do mà nhiều người đi đường luôn ưu tiên chọn loại thức uống này để giải khát. Vậy thực tế, những ly trà chanh, trà tắc bắt mắt, thơm ngon kia được chế biến thế nào, nguyên liệu ra sao,... thì hầu như rất ít người quan tâm.
Thực tế cho thấy, để có thể thu được lợi nhuận cao, những người kinh doanh sẽ sử dụng các loại nguyên liệu rẻ nhất có thể với quan niệm “tiền nào của ấy”. Một người bán nước giải khát lâu năm chia sẻ: Trà sử dụng để chế biến là loại trà túi lọc. Để có được giá thành hấp dẫn như vậy, bột trà thường được làm từ các loại phế phẩm và lá trà già. Một điểm dễ nhận thấy tại các điểm kinh doanh trà chanh, trà tắc là những người kinh doanh sẽ pha sẵn trà và đựng trong các chai nhựa. Sau đó, trà sẽ được rót ra từng ly, cho sẵn chanh, tắc và xếp chồng lên nhau. Mỗi khi có khách tới mua, người bán chỉ việc bỏ thêm đá vào. Có khi trà đã được pha từ...hôm qua.
Theo lời một nhân viên ngành hóa phẩm thực phẩm, việc pha sẵn trà để qua đêm như vậy rất dễ sản sinh độc tố, nhất là khi trà được để trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Trong trà có chứa rất nhiều hoạt chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, càng để lâu trong không khí thì những chất này càng dễ bị oxy hóa khiến lượng axit không tốt trong trà ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, trà được chứa trong các chai nhựa ngay khi còn nóng khiến các chất độc hại trong nhựa dễ nhiễm cho người dùng. Đó là chưa kể toàn bộ “quy trình chế biến” đều được thực hiện bằng tay trần, có khi chanh, tắc được mua về và sử dụng luôn khi có người đến mua mà không hề được rửa qua nước sạch,.../.
Song Hồng