Cánh tài xế gọi đó là “đường Đồng Tháp Mười”, tức từ TP.Tân An, tỉnh Long An đi Quốc lộ 62, rẽ Đường tỉnh 819 về Tân Hưng, theo Đường tỉnh 831 sang huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, rồi về An Giang. Đường tắt nên gần hơn so với đi theo Quốc lộ 1. Tôi đi cùng bà Sáu (Việt kiều Mỹ) đi trên tuyến đường này, bà nói: “Được ngắm khung cảnh bát ngát của Đồng Tháp Mười, được ăn rau tập tàng và canh chua cá lóc mà thấy gần gũi và dung dị quá!”. Năm nào bà cũng về quê An Giang làm từ thiện và đi trên tuyến đường này. Cái chốn như in dấu ấn trong tâm thức cội nguồn người con xa xứ!
Phà Hồng Ngự vượt sông Tiền sang Tân Châu
Xe chạy qua cổng chào có chữ thị xã Hồng Ngự, huyện Đồng Tháp trên đường nhựa thênh thang, nhà cao tầng từng dãy dài theo bờ sông Tiền. Tài xế nói, từ thị xã lên Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước, qua Campuchia, có khu thương mại biên giới nhộn nhịp. Dọc đường qua trung tâm thị xã, du khách nước ngoài đi từng tốp, dạo chơi. Lâu rồi, tôi mới lại đi phà. Phà Hồng Ngự nườm nượp người, xe. Mùa này, khách hành hương đến viếng bà Chúa Xứ (Châu Đốc) nên xe kẹt hàng dài.
Chiều muộn, tôi tản bộ trên đường Trần Hưng Đạo qua trung tâm thị xã Tân Châu dọc bờ sông Tiền. Nhân - anh bạn quê Tân Châu, chỉ ra sông, nói cù lao do phù sa bồi đắp, gây trở ngại cho tàu bè qua lại, mới được hút và nạo vét. Tôi nhìn tàu thuyền đủ loại xuôi ngược nườm nượp trên sông. Rời sông mẹ Mêkông, sông Tiền buông mình xuống Tân Châu mùa này khá êm ả. Thị xã Tân Châu trước giải phóng là một huyện nhỏ vùng sâu biên giới, ao, hầm nuôi cá tra dày đặc trong các khu dân cư nhà sàn lúp xúp, mà nay “lột xác” trở thành đô thị phồn vinh như các phố thương mại ở Chợ Lớn. Nghe nói, thị xã sắp được công nhận đô thị loại III. Khu chợ trung tâm với 2 khối nhà đồ sộ dựng lên một tầm vóc bề thế. Chợ rộng mà bài trí hàng nào ra hàng ấy. Chợ cá Tân Châu là điểm thu hút khách du lịch bởi nó tập trung khá nhiều loại cá đặc sản sông Mêkông vừa lạ, vừa ngon mà người Tân Châu trên ngọn sông Tiền được hưởng. Chợ đêm Tân Châu hàng hóa khá phong phú, đa dạng, bày bán cả ngoài trời. Không gian ẩm thực ngoài trời mênh mông, có khu ăn riêng, khu uống riêng. Mấy anh bán món nhậu cá lóc nướng xé nhỏ trộn với lá và bông sầu đâu (nhậu rất bắt mồi!) biểu diễn cách nướng cá trên giàn bếp than thật điệu nghệ, khéo đến độ cá to tày bắp tay, con nào con nấy da vàng rộm, thơm nức mũi.
Một mảng làng bè (nuôi cá sông) trên sông Tiền, Tân Châu
Đêm đó, bà Sáu thức trắng cùng những người giúp việc chuẩn bị các phần quà từ thiện. Ai nấy nhễ nhại mồ hôi mà cứ nói cười rôm rả. Rõ ràng làm từ thiện, lòng ai cũng lâng lâng vui sướng. Ông Năm Hiếu ở Hội Chữ thập đỏ Tân Châu đến xin bà Sáu ủng hộ cơ sở từ thiện của ông mua hòm giúp người nghèo, mua gạo tặng ông thợ xây nghèo nuôi dạy gần chục đứa trẻ vô thừa nhận ngay từ lúc mới chào đời. Bà Sáu hoan hỉ mở túi tiền từ thiện...
Sáng hôm sau, Nhân chở tôi đi viếng chùa Giồng Thành gần bến phà Tân Châu. Đây là nơi năm 1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường đến ở. Chùa này cũng là cơ sở cách mạng của địa phương, điểm giao liên của cán bộ Trung ương cục miền Nam và Khu 8 trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chùa nằm trong khu rừng nguyên sinh sót lại với từng dãy cây sao cổ thụ hàng trăm năm tuổi cao vút lưng trời. Chùa gồm 3 gian chánh điện, có nhà giảng và hậu tổ đều 3 nóc. Nơi đây, vào đầu thế kỷ XX, tổ chức Thiên Địa Hội của Phan Xích Long từng làm cơ sở chống Pháp. Bên hông chùa có Nhà lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhìn cảnh mà liên tưởng cụ Phó bảng khi xưa đến vùng này chắc còn hoang sơ lắm. Cụ vào chùa được các vị sư sãi bảo bọc để vừa bốc thuốc chữa bệnh cứu người, vừa truyền bá tinh thần yêu nước, kêu gọi mọi người đứng lên chống thực dân Pháp xâm lăng đất nước ta. Bước chân ngàn dặm của Cụ đặt lên tận đầu nguồn sông Tiền, dẫu rằng thời ấy non sông còn lắm cách trở...
Nhân cũng đưa tôi đi chơi núi Nổi và chùa Nổi (Phù Sơn tự), một di tích lịch sử cách mạng bên rìa đồng ruộng mênh mông, phải đi xe máy và ghe máy mất cả tiếng đồng hồ dù chỉ cách trung tâm thị xã Tân Châu chưa đến 10km. Núi Nổi Tân Châu không “uy nghi” bằng núi Đất Mộc Hóa. Nó chỉ là một cái gò đầy đất đá, không cao lắm, trên đó có chùa Nổi cổ kính như chùa Nổi Vĩnh Hưng. Chùa này một thời chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Dạo quanh chùa Nổi Tân Châu - một điểm tour của du lịch An Giang, tôi chạnh nghĩ, sao núi Đất Mộc Hóa và chùa Nổi Vĩnh Hưng Long An chưa được “xứng tầm” như Tân Châu? Phải chăng, du lịch Long An chưa có đầu tư hạ tầng, cảnh quan và quảng bá tiếp thị đúng mức?
Du ký của Quang Hảo