Tiếng Việt | English

06/03/2018 - 12:03

Trên 20.000ha lúa Đông Xuân nhiễm sâu năn

Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2017-2018 đang trong giai đoạn thu hoạch, nông dân phấn khởi vì được mùa, trúng giá. Tuy nhiên, hiện nay, một số diện tích gieo sạ đợt 3 và ngoài lịch thời vụ bị nhiễm sâu năn (muỗi hành), năng suất lúa giảm đáng kể.

Nhiều diện tích bị nhiễm sâu năn

Nhiều diện tích bị nhiễm sâu năn

Sâu năn gây hại lúa

Toàn tỉnh Long An hiện có trên 20.000ha lúa ĐX nhiễm sâu năn, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là Tân Hưng với khoảng 7.200ha, thị xã Kiến Tường khoảng 7.000ha, Vĩnh Hưng khoảng 4.900ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Sâu năn xuất hiện chủ yếu trên các diện tích lúa gieo sạ lịch đợt 3 (từ ngày 05 đến 20/01/2018) và một phần diện tích gieo sạ từ ngày 01 đến 04/01/2018. Số diện tích này nằm ngoài đê bao, do ảnh hưởng của lũ năm 2017 nên sạ trễ hơn những khu vực khác. Bên cạnh đó, do xuất hiện mưa vào cuối tháng 01/2018 kết hợp sương mù nên sâu năn có điều kiện phát triển. So cùng kỳ năm 2017, diện tích nhiễm tăng gấp 2 lần”.

Anh Nguyễn Văn Tâm (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) buồn bã: “Gia đình tôi có 5ha đất gieo sạ lúa giống Đài Loan thơm 08. Trước khi sạ, tôi ngâm giống trong thuốc để phòng bệnh, khi cấy xong, tôi phun một đợt nữa nhưng lúa vẫn bị sâu năn. Vụ này, gia đình tôi đầu tư 13 triệu đồng/ha nhưng không thu hoạch được gì”.

Cũng như anh Tâm, 8ha lúa của gia đình ông Huỳnh Văn Dũng, ngụ xã Thạnh Hưng, bị nhiễm sâu năn trên 90%. Ông Dũng chia sẻ: “Hiện, lúa được 55 ngày. Tôi định bỏ luôn không chăm sóc để không phải tốn thêm chi phí”.

Còn anh Nguyễn Văn Chơn, cùng ngụ xã Thạnh Hưng, cho biết: “Khoảng 12ha lúa của gia đình tôi nhiễm sâu năn 80-90%. Lúa được 46 ngày, tôi vẫn tiếp tục chăm sóc, gỡ được đồng nào hay đồng đó! Ước tính, năng suất khoảng 1-1,5 tấn/ha, lỗ trên 100 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Văn Chơn (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) buồn bã khi diện tích lúa nhiễm sâu năn

Anh Nguyễn Văn Chơn (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) buồn bã khi diện tích lúa nhiễm sâu năn

Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Huỳnh Văn Thành thông tin: “Hiện, toàn xã có khoảng 5.000ha lúa ĐX 2017-2018, trong đó, chỉ mới thu hoạch trên 350ha, năng suất ước đạt 8 tấn/ha. Số diện tích gieo sạ trễ thì nhiễm sâu năn, có khoảng 1.200ha nhiễm trên 70%, 1.050ha nhiễm 30-50%. Đối với diện tích nhiễm trên 70%, nông dân lỗ trên 10 triệu đồng/ha. Diện tích nhiễm 30-50%, địa phương khuyến cáo nông dân tiếp tục chăm sóc để thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng, do ấu trùng sâu năn phát triển trong thân cây lúa, lúc lúa trổ, nông dân mới phát hiện nên không kịp trở tay. Toàn huyện có khoảng 4.900ha lúa bị sâu năn, trong đó có 1.600ha nhiễm trêm 50%. Đối với diện tích nhiễm nặng không có khả năng thu hoạch, nông dân đốt đồng và gieo sạ lại.

Trên 20.000ha lúa Đông Xuân nhiễm sâu năn

Trên 20.000ha lúa Đông Xuân nhiễm sâu năn

Quyết liệt phòng trừ

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Lê Quốc Cường cho biết: “Giải pháp trước mắt để phòng tránh sâu năn là các địa phương cần giám sát, nắm chắc diễn biến phát triển của sâu, đặc biệt khi lúa ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh; không xử lý hạt giống hay phun thuốc trừ sâu sớm ở giai đoạn đầu của cây lúa; đối với diện tích bị sâu năn, tiếp tục chăm sóc bằng cách bón cân đối NPK, các loại phân chứa Ca, Si cho cây khỏe; cần rút nước nhằm hạn chế sự phát triển của sâu năn; thống kê diện tích nhiễm; theo dõi diễn biến bệnh đến thu hoạch, đánh giá mức độ thiệt hại năng suất làm cơ sở cho việc quản lý sâu năn trong mùa vụ tiếp theo”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch hại trên lúa, đặc biệt là sâu năn ngay từ đầu vụ; xây dựng lịch thời vụ bố trí 2 đợt gieo sạ trong 1 vụ: Đối với vụ Hè Thu 2018, không gieo sạ lúa trong tháng 3/2018, xây dựng lịch gieo sạ tập trung trong tháng 4 và 5/2018; đối với vụ ĐX 2018-2019, kiên quyết chỉ đạo không gieo sạ trong tháng 01/2019.

Nông dân cần làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bảo đảm thời gian cách vụ ít nhất 3 tuần để cắt đứt nguồn sâu, bệnh, cày vùi lật gốc rạ để sâu năn không lưu tồn trong lúa chét; gieo sạ tập trung đồng loạt trên cùng cánh đồng theo khung thời vụ khuyến cáo; tăng cường hệ thống bẫy đèn (bằng thau nước hoặc bẫy dính) để theo dõi rầy trưởng thành, sâu năn; tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật sớm, đặc biệt là thuốc trừ sâu nhằm bảo tồn thiên địch trên ruộng lúa; không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu năn./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết