Tiếng Việt | English

28/04/2022 - 08:17

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ

Thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ (chợ 4.0) sẽ tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm. Hoạt động này đang được Sở Công Thương triển khai áp dụng cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh Long An.

Phương thức thanh toán hiện đại

Sở Công Thương phối hợp VNPT Long An, Viettel Long An triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn một số huyện. Việc làm này nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kinh doanh nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ trực thuộc Sở Công Thương quản lý. Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm.

Trưởng ban Quản lý chợ Bến Lức (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) - Lê Hà Hoàng Danh cho biết, để thực hiện chuyển đổi số theo mô hình chợ 4.0, hơn 1 tháng qua, Ban Quản lý chợ đã phát loa truyền thanh thông báo đến tiểu thương, người đi chợ về chủ trương này. Hiện nay, chợ có khoảng 270 tiểu thương bán trong nhà lồng chợ và hai bên tuyến phố cạnh chợ. Ban Quản lý chợ cũng đang nghiên cứu hình thức sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để áp dụng. Đó có thể là thực hiện thu phí diện tích sử dụng bán hàng hay là dịch vụ nào khác để tiểu thương quen dần.

Nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT - Long An hướng dẫn tiểu thương chợ Bến Lức cài đặt và sử dụng mô hình chợ 4.0

Vừa qua, nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT - Long An có cuộc khảo sát, tư vấn cho tiểu thương tại chợ Bến Lức sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng VNPT Mobile Money (quét mã QR). Qua tìm hiểu, tiểu thương bán tại chợ có nhiều lứa tuổi khác nhau. Khi được tư vấn và hướng dẫn ứng dụng VNPT Mobile Money, chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng cài đặt phần mềm và nhanh chóng nắm bắt rõ các thao tác. Để thực hành, chị Ngọc Hằng sử dụng phần mềm để trả phí tiền điện, tiền nước. Chị Ngọc Hằng nói: “Các thao tác không khó và có thể kiểm tra trước khi thực hiện. Việc sử dụng quét mã vạch như thế này giúp đỡ tốn thời gian đến các địa điểm thanh toán và không phải dùng tiền mặt”.

Khi được nhân viên Trung tâm Kinh doanh VNPT - Long An hướng dẫn cài đặt phần mềm quét mã QR, anh Nguyễn Quốc Trí - tiểu thương bán mỹ phẩm tại chợ Bến Lức, nhanh chóng nạp 2 triệu đồng vào tài khoản điện thoại. Anh Quốc Trí cho biết: “Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của VNPT Mobile Money rất tiện lợi. Khách hàng có thể thoải mái đi chợ không ngại mang theo tiền vì có thể bị đánh rơi, kẻ gian lấy cắp, tính toán tiền thừa,... Chỉ với 1 chiếc điện thoại, khách hàng và tiểu thương có thể thoải mái giao dịch không tiền mặt tại chợ. Với ứng dụng này, tôi có thể thoải mái chuyển tiền cho các nơi bỏ hàng hóa cho tôi bán một cách an toàn, tiện lợi”.

Tuy nhiên, anh Quốc Trí cũng chia sẻ, việc giao dịch không dùng tiền mặt điều kiện đủ là cả khách hàng và tiểu thương đều sử dụng cùng dịch vụ. Vì vậy, Trung tâm Kinh doanh VNPT - Long An cần thông báo, khuyến khích người dân sử dụng để phát huy vai trò chợ 4.0, rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số cho người dân trong giai đoạn hiện nay.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Đại diện Trung tâm Kinh doanh VNPT - Long An cho biết, kết quả phát triển khách hàng VNPT Money, Điểm Thanh toán và Điểm Kinh doanh đến hết tháng 3-2022, trên địa bàn tỉnh có 3.708 điểm chấp nhận hình thức thanh toán. Trong đó, khách hàng cá nhân cài đặt VNPT Money bao gồm: 2.660 Ví Mobile Money, 3.157 Ví Pay. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có điểm kinh doanh dịch vụ VNPT Money phục vụ khách hàng đến nạp rút với 59 điểm và 20 điểm giao dịch của VNPT. Đây là những con số chưa nhiều nhưng đáng ghi nhận và phát huy, thể hiện tinh thần quyết liệt đổi mới từ tư duy đến hành động, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn VNPT.

Viettel Long An triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Gò Đen

Ngoài VNPT, Viettel Long An cũng đang triển khai mô hình chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian triển khai, mô hình chợ 4.0 tại chợ Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) có 72 tiểu thương tham gia cài đặt ứng dụng. Qua đó, bước đầu thu về nhiều phản hồi và kết quả tích cực. Với mô hình chợ 4.0, Viettel Long An được Ban Quản lý chợ Gò Đen hỗ trợ trong việc trang bị hình ảnh và loa truyền thông, vị trí đặt quầy tư vấn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn cho mô hình chợ 4.0 là một bộ phận tiểu thương lớn tuổi, ít áp dụng CNTT, có thói quen dùng tiền mặt. Theo đó, đại diện Trung tâm Kinh doanh VNPT - Long An chia sẻ, với khó khăn này, đơn vị sẽ tập trung “đánh mạnh” vào tiểu thương bán hàng công nghệ thực phẩm, quần áo may sẵn, mỹ phẩm và những quầy sạp cố định. Phương thức áp dụng sẽ là “mưa dầm thấm lâu”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, việc triển khai và áp dụng mô hình chợ 4.0 sẽ góp phần cùng tỉnh hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận những tiến bộ của khoa học công nghệ vào đời sống. Kỳ vọng với sự có mặt của mô hình chợ 4.0 sẽ mang đến môi trường số hóa tài chính đơn giản, an toàn, tiện lợi và phù hợp với mọi người dân, xóa bỏ những giới hạn và mang đến tiện ích trong giao dịch thanh toán, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, mong chờ người dân đón nhận. Thời gian tới, Sở Công Thương cùng VNPT Long An, Viettel Long An tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại một số chợ trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết