Bên ngoài nhà cổ Thanh Phú Long cũ kỹ vì thời gian
Vết cổ theo thời gian
Từ thị trấn Tầm Vu, đi theo con đường nhựa về xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh long An sẽ thấy cổng ấp văn hóa Thanh Phú. Đó là nơi cụm nhà cổ Thanh Phú Long tọa lạc, cuối một con đường trải đá xanh chạy giữa những hàng thanh long xanh mướt. 4 ngôi nhà nằm trên diện tích khoảng 15.000m2, có vẻ ngoài giống nhau, đều nhuốm màu hoài cổ của thời gian. Những ngôi nhà này tồn tại hơn 100 năm, do 3 anh em dòng họ Nguyễn Hữu là các ông: Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Hoanh và Nguyễn Hữu Hùng xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX.
Theo thời gian, 2 trong số 4 ngôi nhà hiện xuống cấp. Còn lại 2 căn, trong đó có căn nhà của bà Trần Thị Ba được đầu tư kinh phí sửa chữa khoảng 7 tỉ đồng. Còn căn nhà cuối cùng trong cụm nhà cổ do ông Nguyễn Hữu Xuân, 68 tuổi, cháu đời thứ 4 đang ở cũng trải qua 2 lần tu bổ. “Ngày trước, ngôi nhà này được đề nghị xét di tích cấp quốc gia nhưng gia đình tôi từ chối. Gia đình tôi bỏ ra gần 400 triệu đồng để sửa chữa những phần hư hỏng” - ông Nguyễn Hữu Xuân cho biết.
Tuy đôi lần tu sửa các bức tường, một phần mái lợp nhưng nhà ông Nguyễn Hữu Xuân vẫn giữ được nét xưa. “Nhiều người cứ khuyên gia đình tôi sửa lại hoàn toàn theo kiểu nhà hiện đại bây giờ nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn giữ lại những giá trị mà một thời ông cha tạo nên. Đó cũng là giữ lại truyền thống gia đình. Vì vậy, dù tôi từng sửa phần nóc nhà nhưng khi lợp lại vẫn theo kiểu cũ. Đó là nhà 3 gian, 2 chái và ngói lợp âm dương” - ông Xuân chia sẻ.
Lưu giữ giá trị nghệ thuật, văn hóa đất phương Nam
Không những giữ gìn hình dáng bên ngoài, nội thất bên trong nhà từ đời ông cố để lại, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Xuân đều gìn giữ cẩn thận. Đó là 2 chiếc bàn tròn xoay làm bằng gỗ căm xe, 2 chiếc trường kỷ mặt cẩm thạch và 1 tấm ván lớn. “Trong nhà còn có 3 tủ thờ cẩn xà cừ mà theo tôi được biết, tuổi đời của tủ còn lớn hơn tuổi của ngôi nhà” - ông Xuân giới thiệu. Cũng nhờ gìn giữ cẩn thận mà bàn ghế, tủ,... lúc nào cũng sáng bóng, sạch sẽ, gợi sự ấm cúng trong gian nhà cổ rộng lớn.
Phía trong nhà, các đồ vật và nghệ thuật trang trí vẫn nguyên vẹnĐặc biệt, bên trong ngôi nhà, những trụ cột tròn, to làm bằng gỗ vẫn đứng vững cùng thời gian. Nghệ thuật trang trí trong nhà phong phú, đa dạng theo lối cổ điển như "tứ linh", "bát bửu", "tứ thời",... nhưng cách thể hiện không khuôn sáo. Dù mang đậm nét cung đình nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ nên cảnh vật Nam bộ cũng “có mặt” trong ngôi nhà. Các bao lam trong nhà không những được chạm trổ thật tinh xảo, khéo léo mà còn trang trí các hình ảnh: Mai, tùng, cúc, trúc, sóc và một số sản vật Nam bộ. Điều này làm nên sự đặc sắc cho ngôi nhà. Có thể nói, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là một phần lịch sử - văn hóa của vùng đất phương Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, là một điểm đến để tìm hiểu về kiến trúc nghệ thuật cổ xưa cho nhiều du khách.
Ông Nguyễn Hữu Xuân thông tin: “Hàng năm, có nhiều người ở TP.HCM đến tham quan, trong đó có vài người nước ngoài. Mấy năm trước, có một nhóm sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng đến đây tham quan, tìm hiểu để làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp đại học”.
Có đi, tận mắt chứng kiến những ngôi nhà cổ nổi danh một thời với tên gọi “xóm nhà giàu” mới cảm nhận trọn vẹn giá trị văn hóa của một thời lịch sử còn lưu giữ đến hôm nay. Thoạt nhìn, những ngôi nhà tuy cũ kỹ vì thời gian nhưng bên trong, kiến trúc nghệ thuật trang trí cùng các đồ vật tồn tại cách đây hơn 100 năm sẽ hút hồn, làm say đắm những ai từng đến./.
Nguyễn Ngọc - Quỳnh Hương