Học sinh năng động xây dựng bài học
Dạy học 2 buổi/ngày
Không chỉ trường mầm non, tiểu học mà trường THCS cũng tổ chức học bán trú, 2 buổi/ngày cho học sinh (HS). Buổi sáng, HS được học chương trình chính khóa; buổi chiều học các môn năng khiếu và ôn tập cũng như củng cố kiến thức, bồi dưỡng nâng cao. Nhờ vậy, HS tiến bộ nhanh, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo, phát triển tư duy trong quá trình học tập. Và những trường thực hiện được công tác này đa số là trường đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ GV.
Nằm trên địa bàn vùng sâu của huyện Tân Hưng, Trường THCS Vĩnh Đại (xã Vĩnh Đại) còn cách đường lớn một con sông. Tuy vị trí không thuận lợi nhưng điều kiện về học tập thì không thua các vùng khác bởi đây không chỉ là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mà tập thể nhà trường còn quyết tâm vượt qua những trở ngại để nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị. Theo đó, trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Buổi chiều, trường tập trung bồi dưỡng HS giỏi để tạo nguồn cho đội tuyển HS giỏi, nâng cao chất lượng HS mũi nhọn của trường. Bên cạnh đó, HS yếu, kém được ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản của chương trình học buổi sáng để các em nắm chắc kiến thức cũ trước khi qua bài mới.
Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Đại - Nguyễn Văn Xem cho biết: “Buổi chiều, trường thường xuyên tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp cho HS tham gia. Ngoài mục đích cho HS vui chơi, thư giãn, thay đổi không gian học tập, trường còn lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao, đặc biệt là chuyến đi tham quan trải nghiệm gắn với các di tích lịch sử, môn học để HS vừa được học, vừa được thoải mái vui chơi”.
Nhiều năm tổ chức dạy học bán trú, 2 buổi/ngày, Trường Tiểu học Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) đạt hiệu quả rõ về chất lượng giáo dục. Hiện trường có trên 96% HS học bán trú, còn lại là học 2 buổi/ngày. Đây cũng là nhu cầu của các bậc phụ huynh bởi đến trường, các em không chỉ được học tập mà còn được giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, vui chơi, kết bạn, giảm tình trạng nghiện game.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Tây - Nguyễn Kim Long chia sẻ: “Tham gia học bán trú và 2 buổi/ngày, HS có nhiều thời gian ở trường, GV thuận lợi trong việc cung cấp kiến thức và uốn nắn ngay tại chỗ khi các em có hành vi chưa đúng. Có thêm buổi học chiều, GV thuận lợi phát huy tinh thần tự học của HS và chú trọng giáo dục các em tính tự lập. Nhờ vậy, HS tiến bộ trong học tập và được rèn luyện đạo đức giúp hình thành ý thức tốt ngay lứa tuổi tiểu học. Với kết quả đó không chỉ nhà trường tự hào mà phụ huynh cũng vui mừng”.
Nâng cao chất lượng giáo viên
Một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học là con người, đặc biệt là đội ngũ GV - người trực tiếp đứng lớp dạy học cho HS. Do đó, các trường chú trọng nâng chất lượng đội ngũ GV thông qua nhiều hoạt động: Cử tham gia các lớp bồi dưỡng do sở, phòng tổ chức, tạo điều kiện cho GV tự học nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức dự giờ thao giảng,… Cùng với đó là GV tự học, tự trau dồi những phương pháp dạy mới, hay, hiệu quả để áp dụng vào thực tế, tạo hứng thú học tập cho HS.
Hơn 20 năm gắn bó với HS, tích lũy không ít kinh nghiệm giảng dạy và là nhà giáo ưu tú nhưng cô Lê Thị Hồng Liễu - GV Trường Tiểu học Lê Văn Rỉ (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) vẫn không ngừng tự nâng cao năng lực chuyên môn. Cô đổi mới và lựa chọn những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung bài học và đối tượng HS. Với cô, HS luôn là trung tâm của mọi tiết dạy. Cô Liễu cho biết: “Tôi áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới, trong đó, tâm đắc phương pháp tổ chức hoạt động trò chơi cho HS. Tôi chia lớp làm 2 đội, nội dung chơi là những kiến thức HS học trên lớp. Kết thúc trò chơi, đội thắng cuộc được tuyên dương bằng những tràng pháo tay của cả lớp; đội thua cuộc được động viên và giải thích, hướng dẫn lại để có đáp án đúng. Hiệu quả phương pháp này là phát huy tính sáng tạo, năng động và tinh thần đoàn kết của HS”.
Cô Liễu còn sáng tạo đồ dùng dạy học để tăng sự hứng thú học tập của HS. Những vật liệu cô lựa chọn để làm đồ dùng thường là những thứ có sẵn của địa phương, phế phẩm,… Nhờ vậy, các đồ dùng ấy không chỉ ít tốn kém mà còn gần gũi với HS, góp phần tạo hiệu ứng tốt trong học tập của các em.
Ngoài chú trọng hoạt động học tập của HS, các thầy, cô giáo còn đặc biệt quan tâm về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Cô Huỳnh Thị Tuyết Mai - GV môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tân Hưng (huyện Tân Hưng), luôn xác định rõ trách nhiệm của mình là phải giáo dục HS có nhân cách tốt. “Đạo đức là cửa ngõ để mở lối tài năng. Khi HS có đạo đức, nhân cách, phẩm chất tốt thì sẽ nhận thức được ý nghĩa của việc học, từ đó nỗ lực và ra sức học tập để sau này phụng sự xã hội” - cô Mai tâm sự.
Thông qua các bài học, cô Mai lồng ghép giáo dục đạo đức HS bằng cách xử lý tình huống, những câu chuyện thực tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến HS chưa ngoan. Cô Mai bộc bạch: “Sự đồng thuận của HS, GV và phụ huynh sẽ tạo thành “dòng chảy” xuôi, giúp HS chưa ngoan được quan tâm từ nhiều phía. Bởi, cách giáo dục HS hiệu quả nhất luôn là con đường tình cảm. Khi chúng ta trao yêu thương thì mới mong nhận lại yêu thương”.
Với điều kiện học tập, đội ngũ GV chất lượng, HS được giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành./.
Hiện toàn tỉnh có 49,18% trường đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí mới). Và có thể khẳng định rằng, đến năm 2020, Long An sẽ có trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí mới)”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thanh Tiệp
|
Ngọc Thạch