Tiếng Việt | English

25/10/2022 - 09:38

Tự hào nhà cách mạng tài ba Võ Văn Ngân

Võ Văn Ngân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và Long An, góp phần hồi sinh, củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Gia Định và Chợ Lớn. Ngày nay, truyền thống anh hùng đó đang được thế hệ sau chung tay tiếp nối.

1. Đức Hòa vốn là mảnh đất anh hùng, nơi sinh ra những nhà cách mạng tài ba, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Di tích Ngã tư Đức Hòa ghi dấu cuộc biểu tình lớn nhất Nam kỳ tại thị trấn Đức Hòa. Đó cũng là cuộc biểu tình khiến nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản lãnh đạo cuộc biểu tình, trong đó có đồng chí Võ Văn Ngân.

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, tại ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cả 7 anh chị em của đồng chí đều tham gia chống Pháp, trong đó có 4 người là liệt sĩ.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Văn Ngân thắp hương tại tượng Võ Văn Ngân

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình, đồng chí Võ Văn Ngân đã sớm có suy nghĩ độc lập, ham tìm hiểu sách báo yêu nước, tiến bộ, từ đó có ý thức về con đường đấu tranh chống áp bức, tự nguyện dấn thân tìm đường cứu dân, cứu nước. Năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh trai là đồng chí Võ Văn Tần tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh. Năm 1929, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Tháng 5/1930, khi Quận ủy Đức Hòa thành lập, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Quận ủy và sau đó ông tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 tại ngã tư Đức Hòa.

Cuối năm 1931, nhiều đồng chí Tỉnh ủy Gia Định bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh trai Võ Văn Tần ra sức khôi phục các cơ sở Đảng và cùng các đồng chí khác lần lượt lập lại Quận ủy Gò Vấp, Hóc Môn, tái lập Tỉnh ủy Gia Định; được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ thoái trào 1931-1933.

Tháng 3/1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là 1 trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau Đại hội Đảng toàn quốc, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam kỳ hoạt động trong hoàn cảnh 8 ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, Võ Văn Ngân cùng các đồng chí khác kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy.

Năm 1938, đồng chí Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh nhưng do bệnh nặng, đồng chí từ trần vào ngày 29/10/1938, khi mới 36 tuổi (*).

2. Để ghi nhớ những đóng góp to lớn của nhà cách mạng Võ Văn Ngân, tên ông được đặt cho một trường tiểu học thuộc địa bàn thị trấn Đức Hòa. Đó là một trong những trường tiểu học lớn nhất trên địa bàn huyện với hơn 1.600 học sinh (HS). Cơ sở vật chất của trường vừa được đầu tư mới khang trang, giúp việc dạy và học thuận tiện hơn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Ngân - Huỳnh Thanh Sơn cho biết: “Trường Tiểu học Võ Văn Ngân là một trong những trường đầu tiên đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tuy nhiên, do số lượng HS ngày càng tăng nên cơ sở vật chất chưa kịp đáp ứng. Sau khi được xây mới, khang trang, trường nỗ lực, phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn vào năm 2023”. Các giáo viên (GV) tại trường luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. HS lên lớp thẳng mỗi năm đạt trên 99,4%, GV đạt GV giỏi cấp trường chiếm 80%. Trong các cuộc thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi, trường luôn có từ 4-5 GV đoạt giải. Đặc biệt, năm 2021, trường có 1 GV đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Văn Ngân thắp hương tại tượng Võ Văn Ngân

Ngoài ra, trường còn đặc biệt chú trọng công tác giáo dục truyền thống nhằm giúp HS hiểu rõ về nhà cách mạng Võ Văn Ngân. Trong sân trường, bức tượng bán thân Võ Văn Ngân được trịnh trọng đặt dưới cột cờ. Vào đầu năm học, HS được trường dạy về tiểu sử của ông thông qua các buổi nói chuyện, đố vui dưới cờ hoặc các tiết sinh hoạt lớp. Các dịp lễ, kỷ niệm, trường tổ chức cho HS thắp hương tại tượng Võ Văn Ngân và đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại nhà truyền thống của địa phương,...

Đó là những hoạt động ý nghĩa nhằm giúp HS hiểu rõ về truyền thống anh hùng của người đi trước nói chung và đồng chí Võ Văn Ngân nói riêng. Em Nguyễn Minh Khang - HS lớp 5/3, Trường Tiểu học Võ Văn Ngân, cho biết: “Được học ở mái trường mang tên Võ Văn Ngân và được biết ông sinh ra ở Đức Hòa, là nhà cách mạng tài ba, em cảm thấy rất tự hào về điều đó!”.

3. Theo Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Quốc Mẫn, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức đoàn. Bằng những hoạt động cụ thể, đa dạng: Viết bài tìm hiểu, triển khai các cuộc vận động, trao đổi tọa đàm, nghe nói chuyện chuyên đề, phối hợp chính quyền phát động các hội thi tìm hiểu về truyền thống, lịch sử cách mạng,... giúp thế hệ trẻ, thanh, thiếu niên hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ.

Anh Mẫn nói: “Hàng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các tổ chức Đoàn lại vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, thay hoa nghĩa trang, quét vôi mộ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, thăm gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất giúp các bạn trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương để đổi lại nền độc lập, hòa bình, tự do như hôm nay cũng như nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong đợt kỷ niệm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân, Huyện đoàn Đức Hòa đã phân công Đoàn Thanh niên xã Đức Hòa Đông dọn vệ sinh, chăm sóc cảnh quan khu vực phần mộ đồng chí Võ Văn Ngân. Điều đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và giáo dục truyền thống cho ĐVTN.

Huyện đoàn Đức Hòa khởi công xây dựng nhà tình bạn (Ảnh: Huyện đoàn Đức Hòa cung cấp)

Cách thể hiện niềm tự hào thiết thực nhất chính là tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng của cha anh. Đó là điều mà thế hệ trẻ tại huyện Đức Hòa đang làm tốt mỗi ngày. Phong trào Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là một trong những nội dung trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi hàng năm. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Huyện đoàn Đức Hòa đã tổ chức các hoạt động như trồng cây xanh, triển khai mô hình: Con đường bích họa, Cột điện nở hoa, Chibi thông điệp bảo vệ môi trường, Ngôi nhà tình bạn,... huy động trên 22.000 ĐVTN tham gia, với kinh phí khoảng 3 tỉ đồng.

Với phương châm “Mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc, mỗi ĐVTN một hoạt động thiết thực tham gia XDNTM”, dù trong điều kiện dịch Covid-19 nhưng các cấp bộ Đoàn trong huyện vẫn linh hoạt thực hiện nhiều công trình, phần việc TN. Qua các công trình, phần việc đã góp phần giáo dục, định hướng lối sống đẹp cho ĐVTN; xây dựng hình ảnh tuổi trẻ có trách nhiệm với xã hội, sẵn sàng xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về XDNTM trên địa bàn. Điều đó được khẳng định bằng niềm vui có căn nhà mới của em Nguyễn Vũ Tố Thư (HS lớp 12, Trường THPT Hậu Nghĩa).

Cha của Thư mất sớm, nhà không có đất sản xuất, mẹ Thư nhận việc gia công hàng hóa tại nhà để nuôi em ăn học. Trước hoàn cảnh khó khăn của Thư, Huyện đoàn Đức Hòa đã vận động xây tặng cho gia đình căn nhà tình bạn với kinh phí 60 triệu đồng. Đồng thời, Huyện đoàn vận động Trường Đại học Tân Tạo tài trợ toàn bộ học phí cho Thư nếu em quyết định theo học tại trường. Những hỗ trợ đó phần nào giúp Thư vơi bớt khó khăn và có thêm động lực trên hành trình học tập của mình.

Có thể nói, tuổi trẻ Đức Hòa đang làm tốt công tác tiếp nối truyền thống cha anh, khẳng định tinh thần đoàn kết và hết lòng góp sức vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương./.

Quế Lâm

---------------------------------------------

(*) Thông tin dựa theo bài tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chia sẻ bài viết