Tiếng Việt | English

19/11/2023 - 09:40

Tự hào những nhà giáo tiêu biểu

Giáo viên (GV) là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Các thầy, cô luôn miệt mài, lặng lẽ cống hiến sức mình vì đàn em thân yêu. Tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có nhiều nhà giáo tiêu biểu, được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật.

Có một nghề mà bụi phấn bám đầy tay;

Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất;

Có một nghề không trồng cây vào đất;

Mà mang lại cho đời "trái ngọt hoa thơm".

Tận tâm với học sinh

34 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Hạnh - GV Trường Tiểu học Long Thuận (xã Long Thuận), vẫn giữ vẹn tình yêu nghề, miệt mài cống hiến sức mình để dìu dắt từng thế hệ học trò cập bến bờ tri thức. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn đổi mới ph­ương pháp dạy học, tự sáng tạo làm đồ dùng và sử dụng hiệu quả trong bài dạy; đồng thời, tạo môi trường thân thiện, lớp học vui tươi, thoải mái, giúp học sinh (HS) tự tin trong học tập.

Theo đó, cô tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các trò chơi, cho HS làm việc nhóm,... nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sự sáng tạo của HS theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của các em.

Cô Nguyễn Thị Hạnh luôn theo sát từng học sinh trên lớp

Ngoài ra, cô áp dụng nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tiết dạy. Trong đó, đề tài rèn kỹ năng đọc cho HS được cô khá tâm đắc. Cô đưa ra giải pháp phù hợp với HS, sử dụng các đồ dùng trực quan để các em thấy được hệ thống phát âm và hướng dẫn các em biết ngắt, nghỉ đúng dấu chấm, dấu phẩy, từ đó đọc lưu loát. Bên cạnh đó, cô dạy các em đọc diễn cảm bằng cách hòa nhập tâm hồn với nội dung bài đọc, văn cảnh.

Cô Hạnh chia sẻ: “Nhờ áp dụng phương pháp này, đa số HS thể hiện giọng đọc chuẩn, hay, cuốn hút các bạn trong lớp cùng lắng nghe. Các em cũng đọc đúng, to, rõ, lưu loát, rành mạch nên hiểu được nội dung bài dễ hơn”.

Ngoài ra, cô còn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho HS, nhất là HS nữ thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề Giới tính, Cách phòng và tránh xâm hại tình dục ở trẻ. Cô còn tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, hoạt động ngoại khóa giúp HS có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình và hình thành các thói quen tốt.

“Tôi tạo môi trường tốt nhất cho HS rèn luyện kỹ năng sống nhằm giúp HS biết ứng xử linh hoạt với các tình huống bất ngờ phát sinh trong cuộc sống, biết bảo vệ bản thân khỏi những tác hại tiêu cực và biết cách giải quyết vấn đề khi bị người khác bắt nạt hoặc gặp kẻ xấu,... Đặc biệt, tôi rèn cho HS nữ kỹ năng tự nhận thức để có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bản thân, điều kiện, yêu cầu thực tế của xã hội” - cô Hạnh thổ lộ.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô Hạnh luôn tự học, học qua đồng nghiệp, tài liệu sách GV, Internet,... Từ đó, ngày càng nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng sư phạm.

Với những nỗ lực của mình, cô Hạnh được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật như nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bằng khen của UBND tỉnh năm 2016, 2018, 2020 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.

Quan tâm, gần gũi học sinh

Là Tổng phụ trách Đội, thầy Trần Văn Hận - GV Trường Tiểu học Bình An (xã Bình An), luôn quan tâm, gần gũi với HS, đặc biệt là hiểu tâm lý các em, từ đó có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ những HS đang gặp khó khăn về vật chất lẫn tinh thần.

Trên 20 năm gắn bó với nghề và trên 10 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Hận vẫn luôn hết lòng vì HS, đặc biệt là lãnh, chỉ đạo phong trào hoạt động Đội trong nhà trường luôn đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS.

Trong vai trò Tổng phụ trách Đội, thầy Hận luôn nắm tình hình HS một cách bao quát để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho HS theo chủ đề, chủ điểm, nhất là các hoạt động tập trung nhân dịp khai giảng năm học mới, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,... Qua đó, thầy phát hiện và bồi dưỡng những HS có năng khiếu đặc biệt, tạo nguồn của trường để tham gia các cuộc thi cấp cao hơn.

Thầy Trần Văn Hận quan tâm tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tham gia

Ngoài tổ chức các hoạt động, thầy quan tâm, theo sát HS, nhất là trò chuyện, lắng nghe chia sẻ và tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các em. “Tôi xem các em như những đứa con của mình, từ đó động viên, an ủi, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn và sửa chữa những lỗi lầm mắc phải” - thầy Hận trải lòng.

Thầy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm dựa trên những vấn đề thực tế của HS, từ đó vận dụng để giúp đỡ các em. Trong đó, thầy thường xuyên áp dụng sáng kiến về giúp đỡ giúp đỡ HS chưa ngoan. Đầu tiên, thầy nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của HS tiểu học và phải luôn luôn có “trái tim người thầy” dành cho các em. Kế đó, thầy theo dõi quá trình rèn luyện đạo đức của HS, kịp thời nhắc nhở cũng như động viên, khen thưởng để khích lệ các em; luôn là tấm gương để các em noi theo.

Thầy còn thực hiện sáng kiến về giúp đỡ HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, thầy làm tốt công tác tuyên truyền để các bộ phận trong trường tích cực tham gia đóng góp, duy trì phong trào xã hội hóa giáo dục; phát động trong Liên đội để nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè và sẵn sàng quyên góp ủng hộ những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn được kịp thời giúp đỡ, an tâm học tập. Nghề GV là vậy đó, dẫu có vất vả, các thầy, cô giáo vẫn hết lòng, hết sức vì học trò thân yêu, giúp các em ngày một trưởng thành./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết