Thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ
Long Khốt anh hùng
Long Khốt là địa danh thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, có vị trí chiến lược về quân sự trên tuyến hành lang từ miền Đông Nam bộ qua đất bạn Campuchia, xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.
Từ tháng 6/1972 đến ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 đã phối hợp lực lượng địa phương Kiến Tường liên tục tấn công địch với nhiều trận đánh ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng bằng được tuyến ngăn chặn địch ở Đồng Tháp Mười. Trong đó, tiêu biểu là 2 trận tấn công quy mô vào chi khu Long Khốt (tháng 6/1972 và 4/1974) làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào chi khu năm 1974 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hành lang biên giới. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp đã nằm lại nơi đây.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mảnh đất vùng biên này chưa hưởng trọn vẹn niềm vui thống nhất thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cứ điểm Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng Long Khốt) thêm một lần nữa là điểm giao tranh rất ác liệt. Bọn Pol Pot đã tập trung lực lượng để chiếm cho được Long Khốt làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta. CBCS đồn Long Khốt kiên trì bám trụ, khắc phục khó khăn, phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, ngăn chặn các mũi tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua 43 ngày đêm, từ 14/01 đến 27/02/1978, CBCS đồn Long Khốt đã diệt tại chỗ 55 tên địch, bắn bị thương nhiều tên, thu 6 súng, giữ vững đoạn biên giới phụ trách. Trong đợt chiến đấu ngoan cường này, 10 CBCS đơn vị anh dũng hy sinh.
Trong quá trình sưu tầm, thống kê (chưa đầy đủ), giai đoạn 1971-1975, Sư đoàn 5 có 1.110 CBCS hy sinh trên chiến trường Long khốt, trong đó, Trung đoàn 174 có gần 800 CBCS hy sinh nơi đây. Để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, năm 2008, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nơi đây một đền thờ liệt sĩ khang trang, khắc ghi công lao của những người đã nằm xuống cho hòa bình hôm nay.
Tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, đã thành truyền thống, hơn 10 năm qua, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), người dân nơi đây và các CCB, thanh, thiếu niên ở khắp nơi tụ họp về đây tưởng nhớ Bác Hồ và làm giỗ liệt sĩ, thả hoa đăng trên dòng Long Khốt, thắp nén hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà. Các CCB cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời hoa lửa, kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ nghe.
Thả hoa đăng trên dòng Long Khốt
Lễ giỗ diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, 18/5, người dân tự nguyện góp công, góp của để lo giỗ như chính đám giỗ ở gia đình, dòng họ mình. Nhà nhà bảo nhau mang gà, vịt, cá, heo, gạo nếp, đôi khi cả trâu, bò,... đến góp giỗ. Bà Lê Thị Sẩm, ngụ xã Thái Bình Trung, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, khi đến ngày tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ, tôi cũng tranh thủ thời gian để đến dự, có gì đem đến cúng nấy, không có thì cũng đến thắp nhang tưởng nhớ Bác và các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh giành độc lập, thống nhất nước nhà”.
Đoàn Thanh niên địa phương thì phối hợp Bộ đội Biên phòng và CCB của Trung đoàn lo lễ dâng hương, thả hoa đăng vào đêm 18/5. Giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử và người dân địa phương diễn ra sau đó với những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về gương chiến đấu dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ.
Ngày thứ hai, 19/5, lễ tưởng niệm Bác Hồ và giỗ liệt sĩ chính thức được tổ chức. Hàng trăm người dân trên địa bàn và CCB, thân nhân CCB từ khắp đất nước về dâng hương và lễ vật cúng liệt sĩ. CCB Nguyễn Sĩ Bình, từng tham gia kháng chiến tại đây, tâm sự: “Hơn 10 năm qua, năm nào đến ngày này, tôi cũng đều đến dự, thắp nén nhang cho đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Mỗi năm đến đây đều thấy sự thay đổi của quê hương, sự chăm lo nghĩa tình cho người dân khu vực biên giới và các liệt sĩ đã nằm xuống mảnh đất này”.
Vào dịp này, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 tổ chức các hoạt động trao tặng quà tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tặng thưởng các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi,... Năm 1997, UBND tỉnh công nhận khu vực này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia cho Di tích lịch sử khu vực đồn Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng.
Dự kiến có 6 hạng mục công trình đầu tư xây dựng, trong đó có việc trùng tu Đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ, xây dựng tượng đài tưởng nhớ các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; xây dựng lại cầu Long Khốt,... cùng với sinh hoạt văn hóa tâm linh tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ, trong tương lai gần, Long Khốt sẽ là điểm đến tâm linh./.
Văn Đát