Nhớ lễ giỗ đầu tiên
Thời chiến tranh, Cần Đước là một trong những vùng bị đánh phá ác liệt. Còn hôm nay, quê hương miền hạ này khoác lên mình chiếc áo mới với sự phát triển năng động, ngày càng giàu, đẹp. Dù cảnh vật đổi thay nhưng lòng người Cần Đước không thay đổi. May mắn được hưởng trái ngọt thanh bình, những người sống sau chiến tranh vẫn không quên quá khứ một thời đấu tranh gian khổ.
Hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ của huyện dù hy sinh, mãi nằm lại trong lòng đất mẹ nhưng vẫn bất tử trong lòng người dân Cần Đước. Nhớ ơn và tỏ lòng tri ân đến các anh, người dân Cần Đước tổ chức giỗ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).
Cúng giỗ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Đước. Ảnh: K.KhánhLễ giỗ đầu tiên tổ chức đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình tại khu phố 1B, thị trấn Cần Đước. Đó là năm 1998, bác Sáu Nam thương tiếc những đồng chí, đồng đội hy sinh nên tự bỏ kinh phí tổ chức giỗ liệt sĩ tại Nhà Văn hóa khu phố 1B. Sau ngày bác Sáu mất, vợ bác - bà Chung Thị Gương cùng người bạn gái từ thời thanh xuân nối tiếp làm giỗ.
Giọng chậm rãi, bà Hai Gương kể lại: “Hồi đó, tôi với bà Bảy Mành ở gần nhà, bàn nhau làm lễ giỗ liệt sĩ trong khu phố bằng tiền lương của mình. Sáng sớm, tôi với bà Bảy nấu 2 mâm cơm, canh mang qua Nhà Văn hóa khu phố cúng liệt sĩ. Ngày giỗ đầu tiên, hơn 20 gia đình có thân nhân là liệt sĩ trong khu phố về dự đầy đủ. Gặp nhau, cùng thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất, ai cũng nghẹn ngào xúc động”.
Tất cả cùng xúc động bởi tấm lòng người ở lại! Thấy bà Hai Gương, bà Bảy Mành làm giỗ liệt sĩ, ngày giỗ tiếp theo, khi về Nhà Văn hóa khu phố 1B dự, thân nhân các liệt sĩ - người mang trái cây, mang hoa về cúng để ngày giỗ thêm ấm áp.
“Có người phụ tôi tiền lo đám giỗ nhưng tôi không nhận. Làm giỗ để tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh, để các gia đình có người thân là liệt sĩ gặp gỡ nhau nên chủ yếu tình nghĩa, chứ tiền bạc bỏ ra có đáng là bao!” - bà Hai Gương bộc bạch.
Gần 20 năm trôi qua nhưng bà Lê Thị Cục, 82 tuổi, ngụ khu phố 1B, thị trấn Cần Đước vẫn nhớ cảm xúc lần đầu về dự giỗ liệt sĩ ở Nhà Văn hóa khu phố 1B.
Bà Cục bồi hồi nhớ lại: “Nhà Văn hóa khu phố 1B lúc đó chưa khang trang như bây giờ nhưng ngày giỗ liệt sĩ vẫn ấm cúng. Ở gia đình cũng có làm giỗ hàng năm vào ngày hy sinh của liệt sĩ nhưng lúc về dự giỗ chung, được gặp nhiều gia đình khác, cùng trò chuyện, chia sẻ mất mát, đau thương trong chiến tranh, tôi cảm thấy ấm lòng hơn”.
Từ giỗ liệt sĩ ở khu phố 1B, ông Nguyễn Văn Leo (lúc đó là Bí thư Đảng ủy thị trấn Cần Đước) triển khai thành chủ trương của đảng ủy và nhân rộng ở các khu phố.
Lễ giỗ liệt sĩ đầu tiên trong một khu phố cách đây gần 20 năm sáng ngời nét đẹp của lòng tri ân, gìn giữ, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Cần Đước.
Dâng hương, hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Ảnh: K. Khánh |
Trở thành nét đẹp
Từ cái hay, cái đẹp của ngày giỗ liệt sĩ nên lễ giỗ không còn bó hẹp trong khu phố 1B, thị trấn Cần Đước mà lan tỏa trong toàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Thấy được ý nghĩa của ngày giỗ liệt sĩ, năm 2006, huyện bắt đầu tổ chức lễ giỗ và duy trì hàng năm để ngày 27/7 thêm ý nghĩa, ấm áp. Trong lễ giỗ, mọi người cùng dâng hương và dùng tiệc thân mật. Khi kết thúc, những đại biểu, người dân mang về vài cái bánh ít, một ít xôi nên ngày giỗ liệt sĩ được cảm nhận như ngày giỗ những người thân quen của mình. Ngày giỗ liệt sĩ vì thế cũng trở thành nét đẹp tri ân của Cần Đước trong công tác đền ơn đáp nghĩa”.
Mấy năm nay, tuổi ngoài 80 nhưng bà Đinh Thị Cúc, ngụ khu phố 1B vẫn về dự ngày giỗ liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện mỗi năm. Khi lội bộ, lúc thuê xe Honda ôm, bà đi dự ngày giỗ và mang theo bó nhang để thắp lên các phần mộ đang an nghỉ nơi đây.
Bà Cúc nghẹn ngào nói: “Con trai tôi hy sinh khi mới 21 tuổi ở Campuchia và đến bây giờ chưa tìm được hài cốt. Thương con, tôi chỉ mong một ngày nó trở về an nghỉ dưới lòng đất mẹ để lòng tôi được sưởi ấm”.
Nhưng, thời gian trôi qua, hài cốt người con trai vẫn chưa được tìm thấy. Mỗi lần đến dự giỗ liệt sĩ, bà Cúc lại thắp hương tất cả các phần mộ còn lạc danh ở nghĩa trang và tự an ủi, có lẽ, con trai đang nằm đâu đó trong vô số phần mộ chưa biết tên. Nỗi niềm nặng trĩu nhưng tấm lòng của mọi người trong ngày giỗ liệt sĩ phần nào sưởi ấm trái tim người mẹ.
“Cảm nhận được sự quan tâm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay qua giỗ liệt sĩ do huyện tổ chức, nỗi đau của tôi phần nào được xoa dịu” - bà Cúc chia sẻ.
Còn Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Lời, ngụ ấp 1, xã Phước Đông, dù 93 tuổi nhưng hàng năm, cứ gần đến ngày 27/7, mẹ lại soạn chiếc áo dài và nhắc cháu nội nhớ sắp xếp công việc, đưa mẹ đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện - nơi chồng và 2 con trai đang an nghỉ, để dự lễ giỗ. Tuổi cao, đôi chân yếu, mẹ không thể đi từng phần mộ thắp hương trong ngày giỗ như những năm trước nhưng nhìn khói hương nghi ngút ở từng ngôi mộ cùng lễ vật dâng cúng, lòng mẹ như ấm lại.
“Sự hy sinh của chồng, con trai mẹ cùng các liệt sĩ luôn được ghi công, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhớ, biết ơn nên mẹ thấy vui!” - mẹ Lời tâm sự.
Những nén hương, từng chiếc bánh mà người dân, gia đình chính sách cùng các xã, thị trấn dâng lên trong ngày giỗ liệt sĩ do huyện tổ chức như niềm tin sưởi ấm linh hồn các anh trong lòng đất lạnh và xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân hy sinh trong kháng chiến. Qua đó, thể hiện tấm lòng tri ân thành kính. Ngoài lễ giỗ do huyện tổ chức, lễ giỗ liệt sĩ còn tổ chức tại các xã, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông - Nguyễn Văn Tuyền chia sẻ: “Nhiều năm nay, khi gần đến ngày 27/7, xã tổ chức lễ giỗ tại Bia tưởng niệm liệt sĩ và mời tất cả thân nhân liệt sĩ đến dự. Kinh phí tổ chức đều xã hội hóa. Năm nay, xã tổ chức lễ giỗ liệt sĩ vào ngày 27/7. Trước đó, ngày 25/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã gói 100 cái bánh ít để dâng cúng vào ngày giỗ liệt sĩ do huyện tổ chức ở nghĩa trang vào ngày 26/7/2017”.
Một ít trái cây hái ở vườn nhà hay mua ở chợ, những chiếc bánh ít cùng các lễ vật dâng cúng trong ngày giỗ liệt sĩ là tấm lòng của người dân Cần Đước. Tất cả đến dự giỗ liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình tri ân những người đã ngã xuống. Giỗ liệt sĩ ở huyện Cần Đước vì thế trở thành nét đẹp nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay và mai sau./.
Nguyễn Ngọc