Không ồn ào, những người yêu thơ và thích sáng tác thơ thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thơ Long An lâu nay, cứ 2 năm/lần lại cho ra mắt bạn đọc một tập thơ đầy đặn do các nhà xuất bản có uy tín ấn hành.
“Vàm Cỏ - Dòng chảy thi ca” là tên tập thơ thứ 14 của CLB. Tập thơ dày 300 trang, tập hợp những sáng tác của 30 tác giả là hội viên (HV) CLB (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) được ra mắt bạn đọc trong tháng 4/2017 này với đủ thể loại và bút pháp riêng.
Tác giả Lê Thanh Châu là HV cao tuổi nhất nhưng sức viết của ông còn rất khỏe. Sau tập thơ Cánh đồng in riêng, do Nhà xuất bản Thanh Niên cấp phép tháng 6-2011, từ đó đến nay, dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn là hạt nhân, thu hút và tác động mạnh mẽ đến sự hoạt động và phát triển không ngừng của CLB. Thơ ông thật trẻ trung, có ngữ điệu và nghệ thuật thơ của người từng trải, mang đậm chất nhân văn. Hãy cùng ông với Đêm khuya để đồng cảm với nỗi đau mất con của một người cha: Trong giấc mơ bất chợt gặp lại con/ Trong quân phục màu áo tươi non/ Chỉ trong giây phút con tôi biến mất/ Để mình tôi thao thức giữa đêm khuya/ Ai có biết? Con tôi còn nằm lại bên đất Campuchia... và niềm vui vỡ òa trong ngày đất nước giải phóng: Ba mươi tháng tư/ Ba mươi năm đánh giặc/ Ba mươi năm mùa xuân đại thắng/ Trong ngày vui tột đỉnh này/ Ước gì có cánh mà bay…, Tổ quốc ơi! Tự hào biết mấy, vinh quang biết mấy/ Có Đảng, Bác Hồ/ Chúng con hôm nay mới được nên người… (Đêm khuya).
Tác giả Xây Dựng là cây bút thơ Đường cũng thuộc trong số HV cao tuổi. Thơ ông mộc mạc, nhưng ông biết làm mới một thể loại thơ cổ. Ông sống giản dị, lạc quan, yêu đời như chính những câu thơ của mình. Chín mươi chờ đợi đến cùng ta/ Thể dục dưỡng sinh tập tại nhà/ Đi bộ bước nhanh giành sức khỏe/ Vẫy tay rèn luyện trẻ thêm ra/ Đến câu lạc bộ vui bè bạn/ Thơ phú giao lưu thú hát ca/ Ăn uống điều hòa không thái quá/ Cửu tuần khánh thọ - lão cười khà… (Tuổi cao).
Tác giả Trúc Phương có những câu thơ viết về con nhẹ nhàng mà bay bổng, bình dị mà sâu lắng: Khi con ta về - Mưa rơi ngọt tiếng dương cầm/ Khi con ta về - Gió lướt qua những hàng cau/ Khi con ta về - Bình minh thức dậy rạng ngời/ Khi con ta về - con tim rộn rã bài ca yêu đời… Còn tác giả Lâm Tấn thật triết lý mà câu thơ lại rất “mềm”, nói về tâm hồn yêu thơ: Không không, sắc sắc nhiệm mầu/ Nông sâu nghĩa lý biết đâu mà tầm/ Sao bằng tri kỷ, tri âm/ Phun châu nhả ngọc thâm trầm ý thơ… (Tự thuật).
Cô giáo về hưu Quỳnh An, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời. Nhiều năm liền, cô vẫn gắn bó với sự nghiệp giáo dục bằng những việc làm cụ thể: Tài trợ, giúp đỡ học sinh nghèo và đi nhiều nơi làm từ thiện bằng chính đồng lương hưu khiêm tốn, đúng như câu thơ tả niềm mơ ước cháy bỏng của mình: Câu thơ thêm thắm điệu vần/ Cho đời vơi bớt muộn phiền âu lo/ Càng yêu thương lớp lớp trò/ Làm nhiều điều thiện - ước mơ tuổi già...” (Ước mơ tuổi già).
Là cán bộ tham gia kháng chiến trong những năm khó khăn, gian khổ nhất, tình đồng đội, đồng chí trong khói lửa ấy lại càng thêm sáng trong. Có lẽ, mỗi giây phút bình yên giữa 2 trận đánh, tâm hồn thi sĩ bật lên điệu vần: Ơi người em gái thân thương/ Nuôi quân giữa chốn chiến trường năm nao/ Đêm đêm nhóm lửa ngàn sao/ Hóa vầng hơi ấm lạc vào tim anh... (Người em gái nuôi quân) (tác giả Chí Thiện).
Trở về thăm Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng hy sinh lúc tuổi vừa mười tám, đôi mươi, tác giả Duy Thạnh bồi hồi: Lá thông bay trước gió/ Như những mái đầu xanh/ Tuổi hai mươi rạng rỡ/ Nụ cười tươi hiền lành... (Về ngã ba Đồng Lộc).
Tác giả Hải Âu, một nhà giáo trẻ, thơ anh có chiều sâu và nhiều cảm xúc. Hãy cùng tác giả tiễn đồng nghiệp về hưu bằng đoạn thơ gợi niềm xao xuyến: Mai chị về vương vấn nhớ bến sông/ Tiết dạy cuối rơi vào trong khoảng lặng/ Mai chị về một tình yêu sâu lắng/ Nghiệp “đưa đò” lưu luyến mãi đắm say... (Khoảng lặng).
Cùng tham gia in trong tập Vàm Cỏ - Dòng chảy thi ca lần này còn có 3 tác giả nữ cùng theo nghề dạy học tại huyện Đức Hòa. Nếu tác giả Tường Vân có những câu thơ đầy suy tưởng: Đằng sau viên phấn trắng/ Bao cặp mắt xoe tròn/ Đằng sau viên phấn trắng/ Tổ quốc như hiện ra... (Đằng sau viên phấn trắng), thì tác giả Tuyết Phê và Ngọc Cẩm lại có những nét chấm phá, làm mới câu thơ. Hãy đọc Trăng cười của Tuyết Phê: Trăng cười ai có quả khờ không/ Để bâng khuâng dạ xốn tơ lòng/ Trăng đùa với nước vui cùng sóng/ Rồi cũng là trăng giữa khoảng không... Còn đây, một Ngọc Cẩm ít viết, nhưng tạo được dấu ấn riêng: Xin thời gian ngừng lại/ Cho tôi được một ngày/ Ôm chặt mẹ vào lòng/ Mẹ ơi! Mẹ là tất cả... (Mẹ ơi).
Trên 250 bài thơ của 30 tác giả trong tập Vàm Cỏ - Dòng chảy thi ca đều có nội dung tốt, tuy cách thể hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ thơ còn đôi phần đơn điệu, ít khám phá, sáng tạo. Với truyền thống hào hùng trên quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường,...” lại được thụ hưởng nền thơ ca phong phú của các bậc tiền bối như nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhà văn hóa Nguyễn Thông,... bạn đọc xa gần tin rằng, sẽ được đón nhận những tác phẩm thơ hay hơn của những người yêu thơ, thích sáng tác trên đất Long An trong thời gian tới./.
Ngọc Lộc (Chủ nhiệm CLB Thơ Long An)