Tiếng Việt | English

10/11/2019 - 08:28

Vấn đề người di cư: Đức kêu gọi các nước EU đóng góp công bằng

Trong những năm qua, mặc dù số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh, song nước này vẫn tiếp nhận khoảng 11.000 người xin tị nạn mới mỗi tháng.

Cảnh sát Đức gác tại khu vực Kehl, biên giới Đức-Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 9/11 kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đóng góp công bằng trong giải quyết vấn đề người di cư.

Ông Maas cho rằng những nước “tuyến đầu” tiếp nhận người di cư như Italy đã bị bỏ lại quá lâu.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Italy Luigi di Maio tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Maas nói: “Chúng ta cần một phản ứng của châu Âu dựa trên các giá trị chung, trách nhiệm chung và sự đoàn kết, trên hết là sự đoàn kết với các quốc gia 'tuyến đầu' như Italy, vốn bị bỏ lại quá lâu với gánh nặng của riêng mình.”

Về phần mình, Ngoại trưởng Italy Luigi di Maio đánh giá cao sự hỗ trợ của Đức và việc Berlin luôn sẵn sàng tiếp nhận người di cư đã đặt chân tới Italy.

Ông Luigi di Maio cho rằng Đức là hình mẫu cho các quốc gia khác, đồng thời nhấn mạnh tình đoàn kết của châu Âu.

Hồi tháng trước, Đức cam kết sẽ tiếp nhận 25% số người di cư đã tới Italy bằng đường biển. Đức là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng phát hồi năm 2015. Vào thời điểm đó, Đức và một số quốc gia thuộc Khu vực đi lại tự do Schengen đã áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới khẩn cấp sau khi hơn 1 triệu người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu.

Trong những năm qua, mặc dù số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh, song nước này vẫn tiếp nhận khoảng 11.000 người xin tị nạn mới mỗi tháng.

Theo thống kê, Đức hiện có tỷ lệ người nhập cư cao nhất trong số các nước EU, chiếm 12% dân số nước này.

Trong “Thông điệp châu Âu” đọc tối 8/11 tại Viện Konrad Adenauer Stiftung tại thủ đô Berlin của Đức, Chủ tịch đắc cử Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cam kết sẽ cải cách hệ thống chính sách của EU về người tị nạn.

Chủ tịch đắc cử EC đặc biệt kỳ vọng vào các giải pháp bền vững, hướng về "quyền tị nạn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất," trong khi “bảo toàn được quyền tự do đi lại, tìm kiếm và hành động xuyên biên giới” là vấn đề quan trọng bậc nhất. Đây được xem như lời biện hộ mạnh mẽ cho châu Âu với tư cách một lục địa mở./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết