“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”
1. Gắn bó với nghệ thuật thư pháp suốt 20 năm qua, hai anh em nhà “ông đồ” Huỳnh Triều và Huỳnh Long (hậu duệ nhiều đời của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An) cho biết, tục cho chữ thư pháp diễn ra quanh năm nhưng đặc biệt ý nghĩa và rộn ràng hơn là vào dịp đầu xuân.
Thầy Huỳnh Long (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) chăm chú viết chữ thư pháp trên tấm giấy đỏ, từng đường nét đều toát lên sự tinh tế và điêu luyện
“Chúng tôi gắn bó với thư pháp để tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và cốt lõi của bộ môn nghệ thuật này. Đối với tôi, nghệ thuật thư pháp góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi thế, trong các thú chơi nghệ thuật thì chơi chữ là khó nhất và cũng là thanh cao nhất" - ông Huỳnh Long nói.
Cho chữ thư pháp không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn là một hành động văn hóa mang đậm tính giáo dục. Người cho chữ phải hội tụ cả kiến thức uyên thâm và phẩm chất đạo đức cao đẹp; có kỹ năng viết chữ điêu luyện và am hiểu những giá trị văn hóa, những triết lý sống được gửi gắm trong những câu danh ngôn, thơ ca, tục ngữ,...
"Những con chữ được trao đi thường mang ý nghĩa về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, về đạo làm người, đạo thầy trò, tình cảm gia đình và trách nhiệm với xã hội” - ông Huỳnh Triều cho biết.
Để có được những nét chữ mềm mại, uyển chuyển trao tay mọi người, họ đã tốn không ít công sức theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Nhớ lại quãng thời gian đến với thư pháp, ông Huỳnh Triều kể phải lên Sài Gòn sưu tầm những gì liên quan đến thư pháp mang về để hai anh em cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu, tự mày mò học qua Internet và các nghệ nhân, tập viết rồi dần dần nét chữ càng hoàn thiện hơn.
Những nét chữ mềm mại hay mạnh mẽ tùy theo nội dung, ý nghĩa của chữ, câu đối nhưng vẫn bảo đảm bố cục hài hòa, bắt mắt, đường nét thanh thoát, đậm nhạt như một bức tranh. Do đó, để trở thành người cho chữ thư pháp đòi hỏi người học phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ, hiểu được một số quy luật ngữ âm học của chữ; đồng thời, phải có sự khổ luyện và liên tục.
Với mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, anh em nhà họ Huỳnh thường xuyên tổ chức các lớp dạy thư pháp, tạo cơ hội cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này có thể học hỏi và trau dồi kỹ năng.
Ông Huỳnh Long chia sẻ: “Việc theo đuổi nghệ thuật thư pháp đòi hỏi nhiều yếu tố như năng khiếu, sự kiên nhẫn, quá trình rèn luyện không ngừng cùng sự sáng tạo. Hiện nay, lớp học của tôi thu hút nhiều học viên trẻ, trong đó có những em không chỉ đam mê thư pháp mà còn yêu thích tìm hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc. Điều này khiến chúng tôi rất vui mừng, bởi thế hệ trẻ ngày nay vẫn quan tâm đến các giá trị truyền thống. Nhờ vậy, những tinh hoa của cha ông sẽ được gìn giữ và phát huy, không mai một trong nhịp sống hiện đại”.
2. Nhắc đến nghệ thuật thư pháp không chỉ nghĩ đến những đường nét mềm mại, uốn lượn trên trang giấy mà còn là một nét văn hóa đậm chất Việt, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Tại huyện Châu Thành, chị Nguyễn Thị Yến Oanh (xã Thanh Phú Long) cũng góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và lan tỏa nét đẹp này.
Chị Nguyễn Thị Yến Oanh (thứ 2, phải qua, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) trong một buổi cho chữ thư pháp
Chị Oanh là giáo viên dạy Tin học. Ngay từ những năm còn là sinh viên, chị bắt đầu có niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp nên quyết định đăng ký theo học một khóa thư pháp cơ bản tại TP.Tân An. Từ đó, dù là giáo viên Tin học đang công tác tại Trường THCS Long Trì nhưng chị vẫn duy trì niềm đam mê bên những con chữ thư pháp.
Gần đây, chị còn có duyên tham gia các khóa học thư pháp cơ bản và nâng cao do thầy Huỳnh Long hướng dẫn, giúp chị có những kiến thức sâu hơn về thư pháp.
Với những nỗ lực không ngừng, chị Oanh cùng nhiều đồng hương đã thành lập Câu lạc bộ Thư pháp Châu Thành cách đây không lâu. Dù mới ra mắt nhưng câu lạc bộ đã tạo nên những ấn tượng đặc biệt khi tham gia cho chữ tại các sự kiện như Phiên chợ 0 đồng, Tết quân - dân,... Nhờ vậy, nét đẹp nghệ thuật thư pháp đang dần trở lại gần gũi hơn với người dân trong huyện, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Chị Oanh chia sẻ: “Lễ hội Làm Chay ở địa phương trước đây phải nhờ sự hỗ trợ từ các câu lạc bộ thư pháp tại TP.Tân An và huyện Tân Trụ. Nay thì huyện Châu Thành cũng có những người viết thư pháp, sẵn sàng tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương. Với tôi, thư pháp không chỉ là nghệ thuật mà còn là một cách giảm stress và “rèn tâm” trong cuộc sống”.
Thầy Huỳnh Long với giấy đỏ, mực tàu, nắn nót từng con chữ thư pháp
Dịp Tết Nguyên đán, thư pháp lại trở thành điểm nhấn trong nhiều gia đình khi nhiều người lựa chọn những từ ngữ ý nghĩa như Phúc, Lộc, Thọ, Tâm. Thư pháp không chỉ là nghệ thuật viết chữ mà còn là biểu tượng của tâm hồn và giá trị văn hóa Việt.
Dẫu cuộc sống hiện đại bận rộn, những con chữ mềm mại vẫn hiện diện như một nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, giữ cho những giá trị tinh thần mãi trường tồn./.
Khánh Duy - Thu Thảo