Tiếng Việt | English

11/07/2018 - 15:12

Viếng anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc

Đường lên khu mộ 10 nữ Anh  hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong

Đường lên khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong

Đêm Hà Tĩnh, tôi nằm nghe gió từ hướng Trường Sơn núi cao thổi lộng về và từ thung lũng Ngã ba Đồng Lộc (NBĐL) với ngàn thông reo vọng tới như bản trường ca bất tận của thiên nhiên.

Tờ mờ sáng, chúng tôi rời TP.Hà Tĩnh, đến lúc xuống xe ở ngã ba huyền thoại, nắng mai choàng ngọn tháp Tượng đài Chiến Thắng mọc giữa lòng thung lũng vút lên với các hình tượng thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội, công an, dân quân du kích,... đều ở tư thế xung phong, cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nguy...

Này là bên chân đồi Trọ Voi sừng sững một cột biểu tượng giao thông - vận tải và kế đó là Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (AHLS) giao thông - vận tải NBĐL với bao ngày đêm lao xe trong khói lửa đạn bom để đưa từng đoàn quân ra trận. Này là nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các AHLS hy sinh tại NBĐL thành kính trang nghiêm.

Lên giữa tiền sảnh nhà tưởng niệm, bộ lư hương rất to đã kín chân nhang trước bức hoành “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”, một vài học sinh mang khăn quàng đỏ vừa thắp nhang xong đang đứng xếp hàng mặc niệm.

Vào bên trong, dãy tủ kính trưng bày di vật của các AHLS TNXP để lại cho đời chỉ là mấy cuộn dây và thỏi nam châm rà phá bom; cuốc chim, xẻng, xà beng đào đất đá san lấp hố bom,... “Địch phá 1, ta làm 10” - câu khẩu hiệu còn đó. Những công cụ lao động quá đỗi thô sơ kia như còn phập phồng hơi thở TNXP “vai trăm cân, chân ngàn dặm” không tiếc tuổi xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tại bảng vàng ghi tên AHLS TNXP toàn quốc, tôi bất chợt thấy tên người Long An ngã xuống NBĐL, nào Nguyễn Thị Bé (Tân Trụ), Huỳnh Thị Bưởi (Bến Lức), Lê Thị E (Bến Lức), Hồ Thị Thi (Cần Giuộc),... Tổng số 41 AHLS - cả nam và nữ, phần lớn quê Đức Hòa, Đức Huệ. Tự nhiên lòng dậy lên một niềm cảm phục, tự hào về những người con Long An có tên ở đây!

Bước sang hộp kính trưng bày truyền thống NBĐL với mô hình đắp ximăng tô màu các ngả đường đi qua trái tim NBĐL. Cô nhân viên thuyết minh với chất giọng Hà Tĩnh tràn đầy cảm xúc, tôi thấy nhiều du khách rưng rưng nước mắt. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 10/1968, trên đoạn đường vận tải chiến lược Bắc - Nam qua NBĐL, địch cắt bom 1.863 lần/50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két, đạn 20mm,... Mỗi tháng, bình quân NBĐL có 28 ngày đêm gồng mình hứng đạn bom; có ngày, địch sử dụng 103 lượt máy bay ném hơn 800 quả bom các loại. Hố bom chồng lên hố bom, nào bom đào, bom phá, bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm,... Cùng thời gian này, ta bắn rơi 14 máy bay Mỹ, phá 1.780 quả bom; các lực lượng quân, dân NBĐL góp 974.240 ngày công để thông tuyến và làm đường mới,... Quân và dân các xã lân cận NBĐL còn góp 175.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp gần 100m3 đất đá, cung cấp 42.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy,... Rất nhiều người dân Hà Tĩnh hiến những gì có thể để san lấp hố bom, hố đạn và bắc cầu cho “...Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam...” (Ngã ba Đồng Lộc - Huy Cận).

Lên đồi Trọ Voi, dưới bóng thông xanh, khu mộ 10 nữ AHLS TNXP hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh nối thành một dãy màu trắng tinh khiết “Hồn trong như suối/ Bình minh đời sáng rực vầng dương” (tđd). Trước khu mộ 10 cô là hố bom chứng tích vẫn giữ nguyên.

Đó là chiều 24/7/1968, các cô đang lấp hố bom cho đường thông xe thì máy bay Mỹ ào tới trút bom rồi bay đi. Mọi người lao tới kêu tên từng cô nhưng chẳng có cô nào lên tiếng. Tất cả bị đất đá vùi sâu dưới hố bom! Khi mọi người đào bới, đưa xác các cô lên thì thiếu một cô tên Cúc... "Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp?/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được/ Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi! Em ở đâu?/ Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh/ Áo em thì mỏng/ Cúc ơi! Em ở đâu?/ Về với bọn anh/ Tắm nước sông Ngàn Phố/ Ăn quýt đỏ Sơn Bằng/ Chăn trâu cắt cỏ/ Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ/ Gối còn thêu dở/ Cơm chiều chưa ăn/ Ở đâu hỡi Cúc?/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khản cổ cả rồi/ Cúc ơi!” -Bài thơ của Yến Thanh (Nguyễn Thanh Bình) - cán bộ ngành giao thông - vận tải, là người trong cuộc với giọng thơ tức tưởi nghẹn lời...

Bài thơ được khắc lên bia đặt trước mộ AHLS Hồ Thị Cúc, người mà mãi 3 ngày sau mới tìm thấy xác trên đồi Trọ Voi, chỉ cách hố bom chừng 20m, trong tư thế ngồi, đầu đội nón, cuốc cầm tay như đang nghỉ khi vừa lấp xong hố bom!

Rời NBĐL, xe đưa chúng tôi lên đường Hồ Chí Minh vắt qua đại ngàn Trường Sơn hiểm trở. Ngồi trên xe, tôi nhẩm đọc mấy câu thơ Huy Cận: “Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc...” mà khi ấy còn là đường mòn.

Theo tư liệu, 96 chuyên gia quân sự cấp cao của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) họp lại để tìm cách phá con đường chiến lược Trường Sơn, nhưng không sao phá được Trái Tim Người. Con đường vẫn ngời ngợi dáng uy linh, man mác hồn thiêng sông núi. Và hôm nay, con đường chiến lược ấy đã thành đại lộ Hồ Chí Minh băng suốt bề dài Trường Sơn - NBĐL - Trường Sơn cho đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa với bản hùng ca “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

*Ghi chú: Trong bài có sử dụng số liệu trong sách Ngã ba Đồng Lộc - Ngã ba Anh hùng do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh xuất bản năm 2004.

Bút ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết