Chiều 17/10 tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp bà Cara Abercrombie, Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nhân dịp sang Việt Nam tham dự Đối thoại chính sách quốc phòng song phương lần thứ 7.
Tại buổi tiếp, bà Cara Abercrombie đã thông báo với Đại tướng Ngô Xuân Lịch kết quả Đối thoại chính sách quốc phòng song phương lần thứ 7 diễn ra sáng cùng ngày.
Về phần mình, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng, vì lợi ích chung của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Hoan nghênh kết quả cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, tiềm năng hợp tác quốc phòng song phương còn lớn, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác theo khuôn khổ Bản ghi nhớ mà Bộ Quốc phòng hai nước đã ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương ký năm 2015, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và bà Cara Abercrombie đã đồng chủ trì cuộc Đối thoại chính sách quốc phòng song phương lần thứ 7.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và bà Cara Abercrombie nhất trí đánh giá, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ đang ngày càng hiệu quả, phù hợp với đà phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, nhất là từ sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.
Hai bên bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hợp tác quốc phòng song phương sẽ ngày càng thực chất, toàn diện mang lại lợi ích chính đáng cho hai nước cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những điểm nổi bật của quan hệ quốc phòng song phương thời gian qua, cần thông tin đến đông đảo người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế. “Giải quyết hậu quả chiến tranh không chỉ khắc phục hậu quả của quá khứ mà còn mở ra cánh cửa hợp tác trong tương lai. Hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong lĩnh vực này có thể coi là tấm gương đối với thế giới về việc cùng nhìn tới tương lai,” Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, thấu hiểu quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (MIA) là vấn đề nhân đạo hệ trọng đối với các gia đình và Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục làm tất cả để có thể hỗ trợ Hoa Kỳ trong vấn đề này.
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thông báo, với sự hỗ trợ quan trọng của Hoa Kỳ, dự án tẩy rửa chất độc da cam/dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành tốt giai đoạn 1 và sẽ chính thức bắt đầu giai đoạn 2 vào ngày 18/10.
Dự án này được đánh giá có ý nghĩa lớn về cả khía cạnh nhân đạo, chính trị cũng như khoa học-công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiếp tục có tiếng nói ủng hộ hợp tác song phương trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, cụ thể sắp tới là dự án tẩy độc ở khu vực sân bay Biên Hòa.
Cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mong muốn, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác ngày càng hiệu quả hơn.
Tại cuộc Đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đánh giá cao các hoạt động giao lưu cựu chiến binh, trao trả kỷ vật chiến tranh; coi đây là các hoạt động mang tính biểu tượng giàu ý nghĩa đối với hai bên.
Đồng tình với ý kiến phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, bà Cara Abercrombie đã chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Việt Nam về vấn đề MIA trong những năm qua.
Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp thông tin hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, bộ đội mất tích trong chiến tranh.
Bà Cara Abercrombie cũng khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cũng như trao trả kỷ vật thời chiến.
Tại cuộc Đối thoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và bà Cara Abercrombie cũng thảo luận nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong các lĩnh vực như: trao đổi đoàn; an ninh biển; thực thi pháp luật trên biển; hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; hợp tác quân y; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; giáo dục-đào tạo… Hai bên cũng trao đổi ý kiến về Sáng kiến lưu trữ trang thiết bị y tế và nhân đạo (CHAMSI).
Tại Cuộc gặp Không chính thức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra ngày 30/9 tại Hawaii, Hoa Kỳ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thông báo, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tháng 5/2016, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Ý định thư thành lập nhóm công tác về Sáng kiến lưu trữ trang thiết bị y tế và nhân đạo.
Sáng kiến này là một thỏa thuận dân sự và mang ý nghĩa thuần túy nhân đạo. Trong bối cảnh khu vực thường xuyên phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên như hiện nay, Sáng kiến lưu trữ trang thiết bị y tế và nhân đạo cho phép triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hỗ trợ nhân đạo kịp thời và hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế xã hội và cải thiện đời sống của người dân trong khu vực.
Về tình hình khu vực và thế giới, bà Cara Abercrombie cho biết, Hoa Kỳ sẽ không thay đổi việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng.” Những cam kết của Hoa Kỳ đối với châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được triển khai.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực nếu như sự can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.
Phía Việt Nam và Hoa Kỳ cũng nhất trí rằng, các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định; bảo đảm tự do hàng hải và hàng không./.
Theo TTXVN