Đường vào nghiệp dĩ
NSƯT Út Bạch Lan sớm mồ côi cha từ lúc nhỏ. Bà và danh cầm Văn Vĩ (Đinh Văn Dậm, quê Cần Giuộc, Long An), gặp nhau thuở cơ hàn và kết thành anh em, cùng cảnh ngộ nên hai bà mẹ của bà Út và Văn Vĩ kết nghĩa chị em, sống chung và đi làm mướn sinh sống qua ngày ở Chợ Lớn Mới. Văn Vĩ bị mù từ nhỏ, ông học đàn guitar cổ nhạc và đàn rất giỏi. Sau này, ông trở thành Đệ nhất danh cầm cổ nhạc Nam bộ, cho đến nay vẫn chưa ai sánh kịp.
Lúc thành anh em thì bà Út 11 tuổi, ông Văn Vĩ 15 tuổi, ông dạy cho bà Út ca, rồi hai người cùng dắt nhau đờn ca dạo kiếm tiền. Lúc đó, có một người đàn ông tốt bụng ở chợ Bàu Sen (quận 5, TP.HCM) thương tình cho hai gia đình Vĩ và Út che tạm mái lều cạnh bức tường nhà của ông để ở. Ông bày cho Văn Vĩ mở lớp dạy ca cổ rồi tự tay ông vẽ giùm bảng dạy ca cổ nhạc dựng trước nhà.
Thỉnh thoảng, Út và Văn Vĩ đi đờn ca ở các đám tiệc. Một hôm, cô Năm Cần Thơ có dịp tới nghe Út ca, cô giới thiệu Út biểu diễn ở quán nghệ sĩ Họa Mi. Còn Văn Vĩ cũng được mướn đàn cho quán nhậu có ca cổ. Cô Năm còn giới thiệu Út ca cộng tác ở Đài Phát thanh Pháp Á. Văn Vĩ cũng được giới thiệu đờn cho Đài Phát thanh Pháp Á. Một thời gian ngắn, nghệ sĩ Thành Công đưa Vĩ và Út gia nhập vào Ban ca kịch Thành Công do ông phụ trách.
Thế là Vĩ và Út bắt đầu tạo tên tuổi trên Đài Phát thanh Pháp Á cùng với nhạc sĩ Hai Long, ca sĩ Sáu Thồng, Ba Tình, Văn Chung, Việt Hùng. Và từ đây, Út có nghệ danh là Út Bạch Lan (do nghệ sĩ Thành Công đặt). Có thể xem cô Năm Cần Thơ và nghệ sĩ Thành Công là hai người xây viên gạch đầu tiên làm nền tảng cho NSƯT Út Bạch Lan và danh cầm Văn Vĩ bước vào con đường nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp.
Khi giọng ca của nghệ sĩ Út Bạch Lan vang rộng khắp Nam bộ qua Đài Phát thanh Pháp Á thì bà lọt vào tầm ngắm của nhiều ông bầu cải lương lúc bấy giờ. Đầu tiên là ông bầu Cang của gánh cải lương Kim Khánh mời bà về cộng tác (năm 1952), chuyên hát tuồng kiếm hiệp của soạn giả Mộng Vân như: Trộm mắt Phật, Cây đèn thần, Cánh bườm đen,...
Nhưng ban đầu Út Bạch Lan chỉ là cô đào dự bị, khi nào các cô đào khác gặp sự cố như bệnh, vắng mặt đột xuất thì bà mới có dịp hát thế vai tuồng. Do vậy, Út Bạch Lan có phần nản lòng nên bà đầu quân cho gánh hát Tơ Huệ, nhưng lúc đầu, bà vẫn phải diễn những vai phụ. Một lần nữa, bà càng chán nản và bỏ về Sài Gòn, theo các nghệ sĩ Thành Công, Sáu Thồng, Chín Sớm ca cổ nhạc ở Đài Phát thanh Sài Gòn và Đài Pháp Á.
Một thời để nhớ
Đến năm 1955, Út Bạch Lan về gánh hát Kim Thanh của nghệ sĩ Út Trà Ôn, cùng với những nghệ sĩ tên tuổi như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga,... Nhưng ở sân khấu Kim Thanh, Út Bạch Lan cũng chỉ học múa và thỉnh thoảng đóng một vài vai đào phụ. Lúc đó, bà gặp soạn giả Viễn Châu, ông phát hiện giọng ca quý hiếm của bà và viết thêm cho Út Bạch Lan ca hai câu vọng cổ trong tuồng của ông là "Tình vương hoa thắm". Khi vở trình diễn, Út Bạch Lan ca hai câu vọng cổ này, khán giả nồng nhiệt vỗ tay khen ngợi. Từ đó, ông bầu chú ý và cho bà hát qua nhiều vai chánh đều thành công.
Sau đó, Út Bạch Lan rời gánh Kim Thanh về đầu quân cho đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ, hát thường trực tại rạp Thành Xương và thành công qua các vở: Biên thùy nổi sóng, Cánh bườm lửa, Tình tráng sĩ, Đồ Bàn di hận, Nhớ rừng, Tình người nữ cứu thương, Cung đàn trên sông lạnh, Núi Liễu sông Bằng, Hồi trống Vân Lâu, Áo gấm khôi nguyên, Cầu gỗ Hồng Mai Thôn, Người đẹp Bạch Hoa Thôn, Sơn nữ Phà Ca, Người thợ rừng, Thiên thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt,...
Đến năm năm 1958, Út Bạch Lan ký hợp đồng về hát cho gánh Kim Chưởng với nghệ sĩ Thành Được. Út Bạch Lan và Thành Được được khán giả mến mộ qua các vở: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa,...
Út Bạch Lan - Thành Được thành hôn, do cô Bảy Phùng Há (cố NSND Phùng Há) làm chủ hôn. Khi tên tuổi của Út Bạch Lan sáng chói trên nền nghệ thuật cải lương Sài Gòn, bà bước ra lập gánh hát riêng, lấy tên bảng hiệu: “Út Bạch Lan - Thành Được”. Lúc đó, bà vừa làm bầu, vừa hát đào chánh với kép chánh Thành Được, gánh nổi tiếng với hàng loạt vở như: Trảm Mã Trà, Đêm huyền diệu, Chân trời hạnh phúc, Khi rừng mới sang thu, Bốn mùa hoa nở, Bao giờ vườn sứ mưa hoa, Tìm suối tiên, Cuối đường hoa mộng, Thuyền về bến Ngự, Em đi trên phím nhạc, Khi hoa anh đào nở, Trăng sương cầu trúc, Sầu qua mấy nhịp cầu duyên,... Và lúc này, tên tuổi của nghệ sĩ Út Bạch Lan càng rực rỡ hơn.
Qua thời vàng son
Có lẽ, cuộc đời hoạt động nghệ thuật của hầu hết các nghệ sĩ khi qua thời vàng son thì họ vẫn theo nghiệp Tổ bằng khả năng còn lại cho đến cuối đời. Sau năm 1975, NSƯT Út Bạch Lan hát cho Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 một thời gian, rồi bà lập Đoàn Tiếng Ca Trung Hiếu (Đồng Tháp). Sau đó, bà về quê nhà hát cho Đoàn Cải lương Long An, rồi bà về TP.HCM tham gia hát cho một số câu lạc bộ sân khấu cải lương, chủ yếu hát cho các chuyến từ thiện gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt, giúp người nghèo cô đơn ở thành phố và giúp bệnh nhân nghèo được điều trị miễn phí ở Bệnh viện An Bình,...
Năm vừa qua, bà phải nhập viện với chứng tim mạch. Sau một thời gian, sức khỏe được bình ổn, bà cùng các học trò vẫn tham gia ca hát ở Câu lạc bộ Cải lương Lạc Long Quân và những chuyến từ thiện vào đầu năm 2016 này. Theo bà, khi nào còn khỏe là còn hát và tham gia làm từ thiện. Phải chăng, kiếp con tằm là phải trả nợ dâu?
Nghe tin bà ra đi, xin thắp nén hương lòng, cầu mong cho cố NSƯT Út Bạch Lan - nữ nghệ sĩ tài danh với nhiều mỹ danh được tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng./.
NSƯT Út Bạch Lan ra đi vào lúc 22 giờ 55 phút, ngày 4-11-2016 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi, sau thời gian chống chọi căn bệnh ung thư gan. Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Bà được mệnh danh là giọng ca sầu nữ. Hơn 60 năm gắn bó với sân khấu, bà sở hữu rất nhiều vai diễn để đời trong các vở: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển,... |
Đỗ Dũng