Tiếng Việt | English

16/05/2016 - 00:15

Voi rừng quậy nát khu dân cư

Voi rừng không còn sợ khi gặp người, thường xuyên di chuyển hàng đàn qua khu dân cư vào ban ngày và tàn phá tất cả cây trồng trên đường di chuyển.

Ngày 15-5, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk tiếp tục cử lực lượng theo dõi sát quá trình di chuyển, tìm kiếm thức ăn của đàn voi hơn 20 con tại khu vực hồ Ea Súp thượng, xã Cư M’lanh, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Ăn ít, phá nhiều

Từ tháng 2-2016, khoảng thời gian bắt đầu xảy ra hạn hán, nhiều đàn voi rừng đã kéo về khu vực nương rẫy của người dân ở 3 huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Điều đáng lo ngại là đàn voi rừng không còn sợ khi gặp người, thường xuyên di chuyển qua khu dân cư giữa ban ngày và tàn phá tất cả cây trồng trên đường di chuyển.

Ông Nguyễn Văn Danh (ngụ thôn 2, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho biết cách đây không lâu, một đàn voi khoảng 10 con kéo về nương rẫy của người dân thôn 2. Dù người dân đã dùng rất nhiều biện pháp xua đuổi như đốt lửa, nổ đất đèn tạo tiếng nổ lớn… nhưng đàn voi vẫn lì lợm, không quay lại rừng. Chỉ vài ngày có mặt, đàn voi phá nát rất nhiều loại cây trồng của người dân nhưng ăn chẳng bao nhiêu. Trong lúc cùng đàn ra hồ của người dân uống nước, một con voi khoảng 1 tuổi rơi xuống rồi ngạt thở chết.

Đàn voi rừng rất dữ tợn, di chuyển trên đường, khu dân cư vào ban ngày (Ảnh do người dân cung cấp)

“Tôi sống ở đây nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy đàn voi về gần nhà dân và hung tợn nhất” - ông Danh lo lắng.

Tiếp đó, cuối tháng 3 đầu tháng 4-2016, một đàn voi hàng chục con kéo về khu vực nương rẫy của người dân ở xã Cư M’lanh, huyện Ea Súp. Trong quá trình di chuyển, một con rơi xuống giếng nước và được giải cứu. Sau khi chăm sóc, đã nhiều lần Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp các chuyên gia nước ngoài đưa voi con này về nhập đàn nhưng mẹ nó không chịu nhận do voi con đã có hơi người.

Trong những ngày gần đây, một đàn voi khoảng 20 con đi từ Vườn Quốc gia Yok Đôn ra hồ Ea Súp thượng, xã Cư M’lanh, huyện Ea Súp tìm nước uống. Trên đường đi, đàn voi phá hoại nhiều diện tích cây trồng của người dân.

Chị Trần Thu Lan (ngụ xã Cư M’lanh) cho biết hầu như năm nào vào mùa khô hạn, voi rừng cũng về đây tìm thức ăn, nước uống. Tuy nhiên, lần này đàn voi rất lì lợm, chúng di chuyển qua khu dân cư mà không ngại gặp người. Đi đến đâu, đàn voi phá nát cây trồng đến đó dù nhiều loại không phải thức ăn của chúng. “Trên đường di chuyển sang hồ, đàn voi phá nát 3 sào điều của gia đình, gây thiệt hại lớn, trong khi chúng có ăn cây điều bao giờ đâu?” - chị Lan băn khăn.

Nguy cơ xung đột voi - người

Ông Phạm Văn Láng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, khẳng định thời gian gần đây, voi rừng về khu dân cư với mật độ cao. Trong đợt tổ chức thả con voi rừng về với đàn như nêu trên thì đàn voi rất hung tợn, chẳng những không nhận mà còn phá nát chòi rẫy, võng nằm và hơn 20 cây điều của dân.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trước đây, voi rừng thường xuyên đi ra các khu dân cư tìm thức ăn, nước uống vào ban đêm nhưng trong đợt này, chúng đi ra hồ Ea Súp thượng vào ban ngày làm người dân rất hoảng sợ. Trung tâm đang phối hợp các cơ quan chức năng huyện Ea Súp theo dõi hoạt động của đàn voi để có biện pháp bảo vệ, cảnh báo người dân trong vùng.

Ông Luân cho biết trước thực trạng đàn voi thường xuyên về khu dân cư, tăng nguy cơ xung đột voi - người, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã thành lập 6 tổ công tác để theo dõi, hướng dẫn người dân cách phòng tránh… Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức tập huấn cho người dân gần 10 xã ở các huyện thường xuyên có voi rừng xuất hiện để trang bị kiến thức phòng tránh mà không gây tổn hại đến loài thú rừng này./.

Đừng đổ lỗi cho voi!

Theo PGS-TS Bảo Huy, Trường ĐH Tây Nguyên, việc gần đây đàn voi thường xuyên về sâu trong khu dân cư tìm thức ăn, nước uống, phá hại cây trồng là vấn đề tất yếu. Hàng chục ngàn hecta rừng ở khu vực phía Tây và Bắc của tỉnh Đắk Lắk, nơi vốn là môi trường sống của voi rừng, đã bị tàn phá nghiêm trọng. Vào mùa nắng, trong rừng khan hiếm thức ăn, nguồn nước uống cạn kiệt do rừng bị tàn phá, buộc voi phải về khu dân cư.

“Lúc bắt đầu triển khai đề án bảo tồn voi, chúng tôi đã đề xuất nên dừng cấp phép, thu hồi các dự án trồng cao su ở khu vực này để phục vụ công tác bảo tồn nhưng không được đồng thuận” - ông Huy cho biết.

Cao Nguyên/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết