Tiếng Việt | English

25/10/2016 - 09:28

Vụ Đông Xuân 2016 - 2017: Xuống giống phải đúng lịch thời vụ

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có trên 36.000ha lúa Đông Xuân (ĐX) sớm, trong đó, các huyện phía Nam gieo sạ trên 7.200ha, tập trung ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc. Riêng vùng Đồng Tháp Mười có trên 29.000ha, chủ yếu các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường. Năm nay, do chủ quan lũ thấp, nông dân xuống giống sớm hơn những năm trước nên nguy cơ tái phát bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có thể xảy ra,..


Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2016-2017

Xuống giống trước lịch thời vụ

Tại huyện Tân Hưng, vụ ĐX 2016-2017, diện tích gieo sạ theo kế hoạch khoảng 38.000ha. Đến nay, nông dân xuống giống khoảng 7.000ha. Tuy nhiên thời gian qua, tình trạng mưa, lũ làm ảnh hưởng đến số diện tích trên. Trước tình hình này, huyện tăng cường công tác chỉ đạo, gia cố đê để bảo vệ lúa.

Ông Nguyễn Văn Bụi, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất 8ha, hiện nay xuống giống được khoảng 1ha trong khu vực có đê bao ngăn lũ. Ngay từ đầu vụ, nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn gieo sạ đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đạt kết quả đề ra và tôi luôn thực hiện nghiêm túc”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Hiện nay, mực nước lũ đang dâng nên ngành nông nghiệp huyện chủ động hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ. Ban đầu do lũ thấp nên nông dân chủ quan gieo sạ lúa sớm, số diện tích này đang bị lũ đe dọa. Địa phương tiến hành gia cố các tuyến đê yếu”.

Tại huyện Vĩnh Hưng, công tác chuẩn bị gieo sạ vụ ĐX 2016-2017 được chuẩn bị hoàn tất từ khâu vệ sinh đồng ruộng, giống,... Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ xã Vĩnh Thuận nói: “Vụ này, gia đình sản xuất 20ha lúa, đến nay, việc chuẩn bị đã xong, sẵn sàng để xuống giống. Tuy nhiên, do mực nước lũ đang lên nên chúng tôi chờ và luôn theo dõi thông tin từ các cấp, các ngành chỉ đạo gieo sạ đúng lịch thời vụ, để vụ ĐX đạt hiệu quả”.

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, vụ ĐX 2016-2017, toàn huyện có kế hoạch gieo sạ khoảng 28.500ha, đến nay, gieo sạ khoảng 1.000ha (chủ yếu trước lịch thời vụ). Nước lũ dâng cao gây ra những hạn chế nhất định, ảnh hưởng lịch gieo sạ, đe dọa các tuyến đê bao bảo vệ lúa ĐX sớm, huyện phải tốn nhiều chi phí gia cố.


Nông dân gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2016-2017

Lịch thời vụ đợt 1: Từ 18-10 đến 28-10-2016;
đợt 2: Từ 15-11 đến 25-11-2016;
đợt 3: Từ 13-12 đến 23-12-2016.

Để vụ Đông Xuân đạt hiệu quả

Để tập trung sản xuất lúa ĐX 2016-2017, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau: Củng cố và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; ban chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá các cấp; vệ sinh đồng ruộng đối với khu vực phía Bắc, cần tranh thủ bơm nước, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế tối đa cỏ dại, ốc bươu vàng có khả năng gây hại nặng.

Đối với khu vực phía Nam, sau khi thu hoạch lúa Thu Đông không nên đốt đồng mà nên tái sử dụng rơm rạ thông qua biện pháp cày vùi, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học (Trichoderma, Sumitri, Dascella,...) giúp rơm rạ mau phân hủy nhằm tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ, cung cấp lại chất dinh dưỡng cho cây trồng và trả lại chất hữu cơ cho đất; kiên quyết chỉ đạo xuống giống tập trung trong từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt và né rầy,... Đây là biện pháp quan trọng có tính quyết định sự xuất hiện và gây hại của sâu bệnh cũng như tỷ lệ bệnh vàng lùn nặng hay nhẹ trên đồng ruộng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng, căn cứ lịch gieo sạ, các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, chế độ nước, diễn biến rầy nâu vào đèn để xác định thời vụ gieo sạ trong khung thời vụ chung của tỉnh. Đặc biệt, các huyện phía Nam chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường và xâm nhập mặn,... cần tập trung chỉ đạo kết thúc gieo sạ vào giữa tháng 12-2016. Ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn.

Cần sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả: Nhóm giống cao sản chất lượng cao: OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 1352, OM 4218,...; nhóm giống lúa thơm và lúa nếp: Jasmine 85, Nàng hoa 9, RVT, nếp IR 4625, VD 20, AGPPS 103,...; nhóm giống chất lượng trung bình: IR 50404 (các địa phương cần lưu ý, cân nhắc, không nên vượt quá 10% diện tích gieo sạ do chất lượng trung bình và tiêu thụ không ổn định); nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn, mặn trung bình - khá: AS 996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976; tăng cường sử dụng giống xác nhận và khuyến cáo giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 100-120kg/ha.

Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về diễn biến dịch hại, vận động nông dân thăm đồng, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng phun thuốc tràn lan không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, dự tính, dự báo, thông báo; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất với nhiều hình thức phong phú, tập trung ứng dụng “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM”, “Công nghệ sinh thái”, sử dụng nấm xanh, tưới nước tiết kiệm,... Từng bước hướng dẫn nông dân sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, mà mục tiêu trước mắt là thực hiện tốt việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa cho nông dân./.

Lê Huỳnh - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết