Khi cuộc chiến chống Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới, cuộc sống sinh hoạt của người dân đang trở lại bình thường thì các chiến sỹ biên phòng vẫn đang tiếp tục căng mình để tuyến phòng chống dịch Covid-19 ở vùng biên cương phía Tây Nam luôn vững vàng.
“Trạm cách ly Covid-19” của lính Biên phòng
Từ thị xã biên giới Bình Hiệp đến chốt phòng dịch số 4 của đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (tỉnh Long An) phải chạy qua vài cây số đường bụi mịt mù. Chốt số 4 nằm giữa một cánh đồng, vách phủ bạt, cách đấy vài trăm mét là các sòng bài ở nước bạn Campuchia.
Chiến sĩ Biên phòng tại chốt luôn phải ứng trực 24/24 giờ, bởi ở đây có nhiều đường mòn, đường tắt, chỉ cần lơ là, các đối tượng sẽ lợi dụng đêm khuya để bò qua sang bên này biên giới. Với chiến sỹ Biên phòng tại chốt số 4, chuyện sống chung cảnh không điện, không nước nên vài ba bữa mới tắm một lần là chuyện bình thường, nhưng khổ nhất thời tiết ngày nóng gay gắt, đêm trở lạnh thất thường, đấy là chưa kể nhiều bữa “cơm trộn đất” vì những cơn gió quái ác từ cánh đồng xộc thẳng vào lán trại.
Chốt phòng chống dịch trên tuyến biên giới thuộc đồn Biên phòng Lộc Thiện (Bình Phước).
Chốt phòng chống dịch số 1 thuộc đồn Biên phòng Lộc Thiện (Bình Phước), nằm trơ trọi trên đồi cao su trơ lá. Ngày đầu, chốt chỉ căng vài tấm bạt, một chiếc đèn thắp sáng của người dân cho mượn. Nắng nóng, nên cùng với những chuyến đi tuần, chiến sỹ Biên phòng lại lấy thêm lá buông về làm vách, làm mái, nhưng không thể làm giảm bớt cái nắng đến cháy da thịt nơi vùng biên của tỉnh Bình Phước.
Anh em chiến sỹ tại chốt thường gọi vui, đây là “trạm cách ly”, bởi mỗi lần, quân y lên kiểm tra, nhiệt độ ai cũng vượt ngưỡng vì cái oi nóng thấm cả vào người. Chốt có 7 người nhưng từ khi thành lập đến nay, chưa bao giờ ngồi chung một bữa cơm, bởi cứ 3 người về thì có 3 người ra đứng canh gác. Còn đêm, chiến sỹ ở đây mắc võng nằm ngủ ở ngay đường mòn.
Thiếu tá Phạm Đức Tuân – Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lộc Thiện cho biết, buổi trưa nắng, nhiều ruồi, anh em chiến sỹ phải ngồi trong mùng ăn cơm, sau đó rời vị trí ra gốc cây vì buổi trưa nắng nóng không chịu nổi. Nhiều đoàn quan tâm đến tặng quà nhưng vào lán không dám đứng lâu vì nắng nóng không chịu được.
Chiến sỹ thay phiên nhau chuẩn bị bữa cơm trên chốt gác.
Gác việc riêng, vì nhiệm vụ “đánh giặc Covid-19”
Tranh thủ thời gian rỗi, Đại úy Hoàng Văn Điệp (31 tuổi, tổ trưởng chốt số 1 của Đồn Biên phòng Lộc Thiện) gọi điện về động viên vợ. Vậy là thêm một lần, anh “nợ” lời hứa ở bên vợ khi chị trở dạ sinh con. Lần đầu cách đây 6 năm, khi chị chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng thì cũng là lúc đơn vị của anh tham gia “kế hoạch tăng cường trực chiến”. Còn lần này, anh lại cùng đồng đội tham gia cuộc chiến chống Covid-19 nơi biên cương. Mặc dù được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện, nhưng Đại uý Hoàng Văn Điệp quyết tâm gác lại việc riêng, để cùng đồng đội tham gia trong cuộc chiến chống dịch.
Anh tâm sự cũng muốn về động viên vợ, nhưng trong thời điểm hiện nay, bản thân anh phải có trách nhiệm với cộng đồng. Truyền thống của người lính quân hàm xanh, túc trực biên giới ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Bản thân là sỹ quan nếu không vững vàng thì không chỉ huy được anh em cấp dưới.
Các chiến sỹ tuần tra trên các đường mòn lối mở ở đường biên.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới thì nhiều chiến sỹ Biên phòng ở một số tỉnh ven biển như: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang được tăng cường lên vùng biên cương trên đất liền.
Thiếu tá Huỳnh Văn Đẹp - thuộc Phòng Trinh sát của Bộ đội Biên phòng Trà Vinh là một trong 75 chiến sỹ được điều động lên tham gia phòng chống dịch ở biên giới tỉnh Long An. Đây là lần đầu tiên, anh có chuyến công tác xa, đến nơi có sự khác biệt về địa hình, khí hậu.
Không ngại gian khổ, khó khăn nhưng điều khiến người chiến sỹ gắn bó với lực lượng biên phòng hơn 30 năm có chút trăn trở đó là không thể trực tiếp chu toàn cho con gái đầu lòng khi cô chuẩn bị về nhà chồng. Tuy nhiên, khó khăn của người lính biển khi lên vùng biên cương đất liền sớm được đồng đội chia sẻ, còn công việc nhà được vợ và ông bà xui gia, họ hàng lo lắng giúp. Nhất là con gái anh vẫn thỉnh thoảng gọi điện động viên: Bố hãy vững, để hoàn thành tốt nhiệm vụ nên anh thực sự yên tâm.
Chiến sỹ tranh thủ dùng bữa cháo khuya để thay ca trực chốt tuần tra.
Thiếu tá Huỳnh Văn Đẹp trải lòng: "Người cha nào cũng vậy, lòng cũng băn khoăn lo lắng vì nội ngoại thì xa, nhưng bản thân vẫn xác định nhiệm vụ trọng tâm là chống giặc Covid-19. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì có tội lực lượng, với bà con, với Đảng. Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh mới hiện nay".
Cuộc chiến chống Covid-19 đang sang giai đoạn mới, sinh hoạt của mỗi chúng ta cũng đang dần quay trở lại với nhịp sống hàng ngày, nhưng với người lính biên phòng ở phía Tây Nam, họ vẫn tiếp tục “đội nắng, đạp mưa” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong cuộc chiến chống Covid-19./.
Theo VOV.VN