Tiếng Việt | English

29/03/2023 - 10:39

Vượt khó, thoát nghèo bền vững

Bên cạnh sự giúp đỡ từ địa phương và cộng đồng, nhiều hộ nghèo do phụ nữ (PN) làm chủ hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững bằng ý chí, nghị lực của bản thân.

Mẹ đơn thân thoát nghèo bền vững

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Đúng thu hoạch từ 15-30kg rau muống nước

Hình ảnh người mẹ đơn thân trồng rau muống nước nuôi 2 người con khôn lớn đã không còn xa lạ với người dân xã Hòa Phú, huyện Châu Thành. Chị là Nguyễn Thị Đúng (SN 1979), một mình nuôi con đã 17 năm. Trước đây, mặc dù cuộc sống chẳng mấy khá giả nhưng chị từng có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc bên chồng và 2 người con gái. Chồng chị mất trong một tai nạn khi người con đầu lòng 7 tuổi, người con út 4 tuổi, từ đó, chị trở thành trụ cột gia đình.Chồng qua đời khi chị Đúng còn quá trẻ nhưng chị vẫn ở vậy nuôi 2 người con. Chị làm nhiều công việc để có tiền trang trải cuộc sống.

Chị Đúng tâm sự: “Trước đây, ngoài trồng rau, tôi còn nuôi gà, vịt. Hiện tôi trồng rau muống nước và nuôi bò. Thu nhập chính từ công việc bỏ mối rau nên nhiều năm qua tôi chưa dám nghỉ ngày nào. Tôi thường dậy sớm chèo xuồng đi cắt rau muống, sau đó lặt bỏ lá và giao cho khách. Rau muống có giá 10.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày, tôi bán từ 15-30kg”.

Từ năm 2019 đến nay, chị Nguyễn Thị Đúng nuôi thêm bò

Làm mẹ đơn thân vất vả nhưng chị Đúng thấy bản thân vẫn còn may mắn khi được gia đình 2 bên yêu thương, giúp đỡ, các con ngoan ngoãn. Thời gian qua, địa phương, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã hỗ trợ gia đình chị rất nhiều. Bên cạnh bảo đảm đầy đủ chế độ đối với hộ nghèo, năm 2019, chị còn được hỗ trợ 1 con bò giống (chỉ hoàn lại 30% giá trị của con giống). Đến nay, con bò giống sinh trưởng và phát triển tốt, sinh sản được 2 con bò con, đã bán 1 con bò con. Để có đủ thức ăn cho bò, chị thuê 0,1ha đất trồng cỏ. Từ sự cần cù, chịu khó, năm 2019, gia đình chị Đúng thoát hộ nghèo. Năm 2022, chị thoát nghèo bền vững.

Khi được hỏi về ước mơ của bản thân, chị Đúng cười hiền: “Tôi mong mình thật mạnh khỏe để đi làm; các con luôn ngoan ngoãn, có công việc ổn định và sống thật hạnh phúc”.

Nhắc đến chị Đúng, Chủ tịch Hội LHPNVN xã Hòa Phú - Phan Hồng Nhung nhận xét: “Chị Nguyễn Thị Đúng là người cần cù, chịu khó. Chị làm rất nhiều việc để nuôi 2 người con ăn học. Chị là tấm gương về tinh thần vượt khó, thoát nghèo bền vững tại địa phương”. 

Nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

Theo chân Chủ tịch Hội LHPNVN phường 3, TP.Tân An - Đoàn Thị Đăng Châu, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lưu Thị Nghi, từng là một trong những nữ chủ hộ nghèo của địa phương. Đến nay, gia đình chị Nghi đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nghe có tiếng xe máy trước nhà, chị Nghi bước đi khập khiễng ra mở cửa. Được biết, chân chị bị teo cơ do di chứng của bệnh sốt bại liệt năm 4 tuổi.

Từ khi được hỗ trợ vốn mua máy móc, ngoài may quần áo, chị Lưu Thị Nghi còn nhận sửa đồ, giặt ủi để kiếm thêm thu nhập

Khi còn trẻ, vì yêu thích nghề may nên chị quyết tâm học, có những hôm chân chị bị đau nhức vì tập may nhiều giờ liền. Khiếm khuyết ở chân khiến chị có phần tự ti trong cuộc sống hôn nhân, song tình cảm, sự chân thành của chồng làm chị cảm động.

Theo chị Nghi, để đến được với nhau, anh chị đã vượt qua nhiều rào cản từ phía gia đình. Sau khi nên duyên vợ chồng, cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chị từng có một khoảng thời gian cùng chồng đi phụ hồ. Ngày trước, buổi tối, nhà không có điện, anh phải thắp đèn dầu cho chị may. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nghi nhiều lần cảm ơn địa phương, đặc biệt là Hội LHPNVN phường 3 luôn đồng hành, tạo điều kiện cho chị tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Nghi tâm sự: “Sau nhiều lần được Hội LHPNVN phường đến nhà động viên, tôi quyết định vay vốn để đầu tư mua máy móc và vải. Từ khi có máy móc hiện đại, công việc đỡ vất vả hơn. Tôi còn nhận sửa quần, áo, thay dây kéo các loại và giặt ủi để kiếm thêm thu nhập”.

Chồng chị Nghi là người cần cù, biết chăm lo cho gia đình, song sức khỏe anh không được tốt nên hiện chỉ có thể làm việc nhẹ kiếm "đồng ra, đồng vào". Thời gian qua, kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào công việc của chị Nghi. Ngoài làm thợ may, chị còn làm thêm công việc dọn dẹp nhà cửa. Vợ chồng chị có 2 người con, người con gái lớn đang là giáo viên, người con trai nhỏ đang học lớp 12.

“Dù vẫn còn vay vốn để làm ăn nhưng so với trước đây, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn nhiều. Giờ đây, gia đình tôi có nhà kiên cố để ở, có xe máy để chạy. Các con trưởng thành và ngoan ngoãn là niềm hạnh phúc rất lớn của vợ chồng tôi. Thời gian qua, chúng tôi luôn động viên các con cho dù có khó khăn như thế nào cũng phải cố gắng vượt qua. Đời cha mẹ đã khổ, chỉ mong các con được sung sướng” - chị Nghị chia sẻ.

Chị Đoàn Thị Đăng Châu cho biết: “Không chỉ nỗ lực làm việc, vươn lên thoát nghèo bền vững, chị Lưu Thị Nghi còn tích cực tham gia công tác Hội và phong trào PN. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị tham gia công tác phòng, chống dịch, được Hội LHPNVN phường tặng giấy khen. Mỗi khi Hội LHPNVN các cấp phát động phong trào, chị đều sắp xếp việc gia đình để tham gia”.

Không “nuôi” tâm lý ỷ lại, nhiều nữ chủ hộ nghèo đã nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết