Tiếng Việt | English

09/06/2020 - 20:25

Xưng hô phù hợp với phong tục, tập quán

Văn hóa xưng hô được thể hiện qua sự giao tiếp giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Xưng hô không chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ mà còn thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân.

Việc lựa chọn, sử dụng từ xưng hô phù hợp thể hiện sự kính trọng, lễ phép, lịch sự, khiêm nhường, nhã nhặn,… trong giao tiếp. Bạn bè có thể xưng hô tôi - bạn, cậu - tớ. Người chênh lệch tuổi tác ít có thể xưng hô anh, chị - em và ngược lại, nếu tuổi tác chênh lệch nhiều có thể xưng hô ông, bà, chú, bác - con,cháu,…

Từ ngữ xưng hô trong từng môi trường cũng khác nhau. Trong gia đình, cách xưng hô giữa vợ chồng thể hiện tình cảm, sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân; trong nhà trường thể hiện tôn ti giữa thầy và trò. Trong công sở, cách xưng hô khá phong phú theo chức vụ, tên với người cùng trang lứa thậm chí theo kiểu gia đình như chú - cháu, bác - cháu,…

Từ xa xưa, ông bà ta đã dạy “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Dạy con, cháu cách xưng hô trong giao tiếp qua ca dao, tục ngữ và qua việc nêu gương là những điều tốt đẹp được lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay, đôi khi chúng ta vẫn nghe đâu đó cách xưng hô phản cảm, thiếu văn hóa.

Để xưng hô có văn hóa, chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa để mọi người, mọi nhà thực hiện, nhất là giới trẻ. Xây dựng văn hóa xưng hô trong gia đình và xã hội phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của dân tộc./.

   Nguyễn Minh Khuê

 

Chia sẻ bài viết