Tiếng Việt | English

28/04/2020 - 19:39

“Hoa nở” trên vùng kháng chiến cũ

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những vùng kháng chiến cũ đang có những bước chuyển mình đáng kể. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, khắc phục khó khăn của Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng nhân dân, nhiều vùng đất nay đã “hồi sinh”, kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

1. Phát huy tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương. Theo đó, công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân luôn được tập trung thực hiện.

Những cây cầu tạm, cầu cây tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ được thay thế bằng cầu bêtông kiên cố

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam - Phạm Minh Vũ cho biết: “Những năm qua, xã huy động mọi nguồn lực ra sức hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, tăng gia sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ vốn vay cho học sinh, sinh viên,... với tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội tính đến tháng 3-2020 là 21 tỉ đồng. Nếu như năm 2015, hộ nghèo chiếm 6,47%, thu nhập bình quân đầu người 30,7 triệu đồng thì đến cuối năm 2019, hộ nghèo giảm còn 1,45% (sau khi trừ đi số hộ bảo trợ xã hội), thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm”.

100% trường học trên địa bàn xã Bình Hòa Nam đạt chuẩn quốc gia

Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay, địa phương còn quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn khoa học - kỹ thuật cho người dân. Năm 1996, nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Hiện xã Bình Hòa Nam có 1.750ha chuyên canh trồng chanh.

Gắn bó với cây chanh, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Cậy, ngụ ấp 2, xã Bình Hòa Nam, có những thay đổi tích cực. Ông cho biết: “Tôi trồng chanh đã 12 năm, hiện gia đình có 0,8ha với khoảng 360 gốc. Nhờ cây chanh mà kinh tế gia đình ổn định, thông thường, thương lái thu mua khoảng 10.000 đồng/kg là nông dân có lãi, hiện chanh có giá 20.000 đồng/kg, người dân ai cũng phấn khởi”.

Những năm qua, cuộc sống người dân xã Bình Hòa Nam ngày càng ổn định nhờ cây chanh

Có dịp trở lại xã Bình Hòa Nam vào những ngày cuối tháng 4, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự thay đổi của vùng kháng chiến cũ năm nào. Nhìn diện mạo địa phương hôm nay, ít ai biết được rằng, trước đây Bình Hòa Nam từng chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn sau giải phóng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1, xã Bình Hòa Nam - Nguyễn Thị Hạnh không khỏi xúc động. Bà tâm sự: “Khi ấy, đời sống người dân còn nhiều cơ cực, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng đò, ghe hoặc đi bộ. Kết cấu hạ tầng thiếu trốn trăm bề nhưng bây giờ, các công trình y tế, giáo dục, đường giao thông nông thôn được các cấp, các ngành đầu tư mới khang trang, sạch, đẹp. Đặc biệt, 100% trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Phạm Minh Vũ phấn khởi nói: “Xã đã đạt 17/19 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2020 đạt chuẩn xã nông thôn mới. Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực duy trì, nâng chất các tiêu chí, địa phương còn chú trọng chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2020, địa phương sẽ xây dựng 18 căn nhà tình thương, xây mới 4 căn nhà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, sửa chữa 10 căn với tổng kinh phí 1,26 tỉ đồng”.

2. Tạm biệt xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, chúng tôi đến xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An. Sau 45 năm kể từ ngày giải phóng, xã anh hùng được “hồi sinh” mạnh mẽ, đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Năm 2010, An Vĩnh Ngãi đạt danh hiệu xã văn hóa, năm 2015, đạt chuẩn nông thôn mới. Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Địa phương luôn chủ động tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thường xuyên rà soát, hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn,…

Hệ thống đường giao thông tại xã An Vĩnh Ngãi được các cấp, các ngành đầu tư, nâng cấp

Chủ tịch UBND xã An Vĩnh Ngãi - Nguyễn Thị Nhuận cho biết: “Địa phương thường xuyên phối hợp, vận động các nhà hảo tâm tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách,… Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, xã sẽ đề xuất xây nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương. Năm 2020, dự kiến sẽ xây mới 2 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 1 căn với tổng kinh phí 110 triệu đồng”.

Thời gian qua, từ sự chung tay, hỗ trợ kịp thời của địa phương, nhiều hộ gia đình đã vươn lên trong cuộc sống. Theo lời giới thiệu của Trưởng ấp Hòa Bình, xã An Vĩnh Ngãi - Phạm Văn Phúc, chúng tôi gặp gia đình bà Nguyễn Thị Mười, một trong những những hộ đã thoát cận nghèo năm 2019.

Bà bộc bạch: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, 2 con đang trong độ tuổi ăn học, trước đây thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, địa phương thường xuyên tặng quà, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Khi đời sống được ổn định, gia đình tôi từ chối nhận quà, đồng thời, xin thoát cận nghèo để nhường sự hỗ trợ lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Nhìn những đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Trưởng ấp Vĩnh Hòa - Nguyễn Văn Bền không giấu được niềm tự hào. Ông phấn khởi nói: “Bộ mặt nông thôn của xã An Vĩnh Ngãi ngày càng thay đổi, đời sống người dân được nâng lên, kinh tế phát triển, hộ nghèo, cận nghèo giảm, số hộ khá tăng, nhiều người vươn lên làm giàu chính đáng”.

Được biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xã An Vĩnh Ngãi cũng có nhiều biện pháp kịp thời hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thị Nhuận thông tin: “Thời gian qua, địa phương vận động 150 phần quà hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, bao gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm, với tổng kinh phí 75 triệu đồng”.

Có thể nói, những truyền thống cách mạng vẻ vang vừa là niềm tự hào, vừa là động lực thúc đẩy để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng kháng chiến xây dựng quê hương giàu, đẹp. Nhìn chung, thời gian qua, các địa phương đã triển khai hiệu quả các nguồn lực trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết