Những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa để giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống trong các buổi sinh hoạt định kỳ, các chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ, ngày sinh hoạt văn hóa chính trị tinh thần.
Đến Tiểu đoàn 1 Long An vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp dự buổi giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1 tham quan Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường toàn dân đánh giặc”
Thượng úy Trần Văn Qui - Chính trị viên Tiểu đoàn giới thiệu: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với cách đánh sáng tạo, quân ta đồng loạt tiến công tiêu diệt địch, thọc sâu vào các mục tiêu trọng yếu trong thành phố Sài Gòn, bao vây hợp điểm tiêu diệt toàn bộ quân địch,... Riêng năm 1968, Tiểu đoàn 1 Long An anh dũng tiến về Sài Gòn, lập nên chiến công vang dội ở cầu Chữ Y. Cùng với những thành tích vẻ vang và nhiều trận đánh mưu trí, dũng cảm, Tiểu đoàn 1 Long An vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị 3 lần anh hùng...”.
Các chiến sĩ mới chăm chú lắng nghe, niềm vinh dự, tự hào hiện rõ qua từng ánh mắt. Bên cạnh tuyên truyền miệng, đơn vị chiếu những cuốn phim tư liệu.
Chiến sĩ mới Phạm Phương Nam - Đại đội 2, chia sẻ: Trước khi nhập ngũ, tôi có tìm hiểu về truyền thống quân đội, đơn vị nhưng chưa rõ lắm, qua những buổi giáo dục truyền thống do đơn vị tổ chức với những clip, phim tài liệu, cán bộ tuyên truyền, tôi và đồng đội hiểu hơn những khó khăn, gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng những tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh, viết nên truyền thống vẻ vang của quân đội, của đơn vị. Đó là sự động viên, khích lệ để tôi và đồng đội phấn đấu học tập, rèn luyện tốt”.
Giáo dục truyền thống trong giai đoạn huấn luyện ngoại khóa bước đầu để chiến sĩ mới làm quen với môi trường quân đội và làm cho chiến sĩ hiểu biết khái quát về truyền thống quân đội, đơn vị. Đồng thời là điều kiện kích thích, động viên ý thức tự giác, tích cực, chủ động nghiên cứu, học tập để có những nhận thức và trách nhiệm của mình với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thượng úy Trần Văn Qui khẳng định: Việc giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới đi vào nền nếp, hình thức giáo dục phong phú, điều kiện vật chất bảo đảm cho giáo dục ngày càng tốt hơn, giúp công tác giáo dục chính trị gắn với giáo dục truyền thống của tiểu đoàn ngày càng hiệu quả hơn.
Đóng quân nơi biên giới, quê hương giàu truyền thống cách mạng, cán bộ Đại đội Bộ binh huyện Đức Huệ đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho chiến sĩ. Hình thức giáo dục phong phú, ý nghĩa: Giáo dục chính trị, tổ chức cho bộ đội xem phim tư liệu, giao lưu, hái hoa dân chủ,...
Đặc biệt, đơn vị tổ chức cho chiến sĩ tham quan các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu về truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7, truyền thống qua 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Long An.
Chiến sĩ tích cực đọc sách trong ngày Hội sách do thư viện Bộ Chỉ huy tổ chức
Lật nhẹ từng trang sách, chú ý từng hình ảnh minh họa, hạ sĩ Phan Tuấn Bình - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn mượn quyển sách “Nước CHXHCN Việt Nam - Những mốc son lịch sử (1945-2015)” trong thư viện.
Tuấn Bình bày tỏ: "Được cán bộ chính trị giảng dạy về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước, của quân đội, em rất tự hào. Ngày nghỉ, giờ nghỉ, em hay đến thư viện, vừa rèn thói quen đọc sách, vừa tự học, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử".
Giáo dục truyền thống nhằm bồi dưỡng, xây dựng niềm tin, lòng tự hào, nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, tạo động lực chính trị giúp chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ và để truyền thống thêm lan tỏa, thấm sâu trên bước quân hành của người lính./.
Vân Anh