Tiếng Việt | English

22/05/2017 - 14:15

3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo các ý kiến tổng hợp của cử tri của cả nước tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

 Sáng 22/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc​ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.

 Báo cáo nêu rõ: Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Trong đó, 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.547 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Cử tri, nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong 5 tháng qua đã tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; trong đó có nhiều giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội.

Các chính sách an sinh, xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền đất nước được giữ vững.

Cử tri, nhân dân hoan nghênh các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cử tri, nhân dân phấn khởi đón nhận các kết quả của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), mong muốn các Nghị quyết của Hội nghị sớm được triển khai, đi vào cuộc sống ngay trong năm 2017.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân vẫn lo lắng về một số yếu kém nhiều năm chậm được khắc phục như: nền kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp; nợ công ở mức cao; năng suất lao động còn thấp; việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng; an toàn thực phẩm chưa được cải thiện; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân.

Đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Cử tri, nhân dân hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số bộ, ngành và chính quyền địa phương đã quan tâm, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần nâng số lượng doanh nghiệp được thành lập mới.

Cử tri, nhân dân lưu ý về việc đồng thời với số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng còn nhiều và tăng; tình trạng buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng còn diễn biến phức tạp.

Cử tri, nhân dân nhiều địa phương băn khoăn về tình trạng "được mùa mất giá" tiếp tục tái diễn, gần đây nhất là chăn nuôi lợn, giá thịt lợn hơi trong nước giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Cử tri, nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, có chính sách và biện pháp hợp lý phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh việc thành lập hợp tác xã kiểu mới và thực hiện liên kết giữa Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và Ngân hàng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Cử tri, nhân dân ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; quyết liệt chỉ đạo xác minh, kỷ luật người có trách nhiệm trong quản lý nhà nước đã để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở miền Trung; ghi nhận việc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra về môi trường, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc xây dựng, vận hành của các trung tâm nhiệt điện sử dụng than tại một số địa phương.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân nhiều nơi bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, là một nguyên nhân căn bản gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

Tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Cử tri, nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, mặc dù Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh.

Cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, "nhóm lợi ích" khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật; chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi không được xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều địa phương, cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các địa phương và các bộ, ngành có liên quan phải xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình giải quyết xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ở nông thôn.

Nâng cao hiệu quả giám sát về an toàn thực phẩm

Thời gian qua, Chính phủ và ngành y tế đã quan tâm đến triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến; chú trọng đến công tác giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân một số địa phương tiếp tục phản ánh về chất lượng khám, chữa bệnh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương chưa được kiểm soát như cam kết; chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế tư nhân chưa đáp ứng tiêu chuẩn; tình trạng lợi dụng, vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế diễn ra phức tạp.

Cử tri, nhân dân đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đầu tư cho cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường hiệu quả quản lý các cơ sở y tế tư nhân; đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, trọng tâm là quản lý việc cấp, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, hồ sơ bảo hiểm y tế để hạn chế tình trạng vi phạm.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, chương trình phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn ở nhiều nơi.

Cử tri, nhân dân kiến nghị Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát về an toàn thực phẩm; kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ban hành các quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn để làm cơ sở cho vận động thực hiện và giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với cá nhân, cơ sở vi phạm; nâng cao nhận thức của nguời sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Cử tri, nhân dân ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố cả nước trong việc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thực hiện bàn giao hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, chấn chỉnh công tác đào tạo tiến sỹ; thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học.

Cử tri, nhân dân cho rằng, hiệu quả việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" còn chưa cao, việc xây dựng và thực hiện một số Đề án về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo còn chậm.

Tình trạng học thêm, dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở khu vực đô thị; một số trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo còn thấp. Tình trạng bạo lực học đường đối với trẻ em gây bức xúc dư luận. Cử tri, nhân dân kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; chấn chỉnh các cơ sở giáo dục, đào tạo không đảm bảo chất lượng.

Cử tri và nhân dân phản ánh, hệ thống các cơ sở dạy nghề thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào tạo; việc dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi bị thu hồi đất còn nhiều bất cập. Cử tri, nhân dân kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp hợp lý hệ thống các cơ sở dạy nghề; nâng cao chất lượng dạy nghề; đảm bảo tính liên thông trong giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh kết nối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí bằng hành động cụ thể

Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện được quyết tâm chính trị, trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân.

Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra, đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh. Cử tri, nhân dân hoan nghênh các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.

Cử tri, nhân dân yêu cầu các cơ quan, tổ chức, trước hết là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện "suy thoái," "tự diễn biến," "tự chuyển hóa."

Cử tri đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố giác, khen thưởng kịp thời người đấu tranh chống tham nhũng.

Việc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn phản ánh về việc sắp xếp cán bộ, công chức ở một số nơi chưa phù hợp, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra.

Cử tri, nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp; chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở.

Đẩy mạnh công tác trấn áp các loại tội phạm

Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhất là bảo đảm an toàn trong dịp Tết và các lễ, hội. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân rất lo lắng về tệ nạn cờ bạc, ma túy, lạm dụng rượu, bia dẫn đến gây rối, mất trật tự an toàn xã hội; tình trạng trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, giết người vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em diễn ra ở nhiều nơi, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng thể hiện sự vô cảm, mất nhân tính của người thực hiện hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng và tâm lý lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Cử tri, nhân dân kiến nghị chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội cần có giải pháp để nâng cao ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ, trợ giúp để phụ nữ, trẻ em tránh khỏi nguy cơ bị bạo hành và xâm hại tình dục; phát hiện, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác trấn áp các loại tội phạm.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, ổn định tình hình ở một số địa phương, cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức và của Nhà nước.

Ngoài ra, cử tri, nhân dân còn phản ánh và băn khoăn trước tình trạng tổ chức các sự kiện, lễ kỷ niệm, khánh thành công trình, xây dựng các công trình biểu tượng của địa phương, cơ quan, đơn vị quá nhiều, gây lãng phí trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn; việc quản lý đất đai, tài sản của Nhà nước ở nhiều địa phương còn bất cập. Cử tri kiến nghị cần đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các trường hợp còn tồn đọng sau tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông, an toàn, an ninh mạng.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm Đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu hệ thống chính quyền các cấp với tinh thần thẳng thắn, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, thực thi nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng, chính quyền đối với vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức để giữ gìn sự trong sạch, uy tín của Đảng, Nhà nước, giữ vững kỷ cương, pháp luật, củng cố niềm tin của Nhân dân.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ tổ chức đợt thanh, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, về bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần có tuyên bố và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn quản lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân giám sát, coi đây là tiêu chí cụ thể để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 của lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XII).

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu nền nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép tài nguyên quốc gia; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên đúng quy định, đúng mục đích và tiết kiệm; có giải pháp hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng xói, lở bờ sông, ven biển tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo cơ sở để thực hiện và giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện ba tháng cao điểm vận động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa”kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), có những hành động, việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho thân nhân các liệt sỹ và thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, coi đây là trách nhiệm, vinh dự thiêng liêng với quá khứ hào hùng của dân tộc và với tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau./.

Phúc Hằng/TTXVN

Chia sẻ bài viết