Tiếng Việt | English

16/06/2017 - 16:50

Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống lực lượng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (16/6/1967 - 16/6/2017)

50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) giữ vị trí chiến lược, là nền tảng cơ bản trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Quá trình thành lập với nhiều thành tích

Nghị định số 250/NĐ-CP, ngày 12/6/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Phòng Vận động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) Công an tỉnh Long An được thành lập.

Năm 1987, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định về việc giải thể Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT, thành lập Tổ Nghiên cứu hướng dẫn về công tác phong trào BVANTQ thuộc Phòng Tham mưu tổng hợp Công an tỉnh.

Ngày 30/6/1994, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định 575/QĐ-BNV tách tổ nghiên cứu, hướng dẫn công tác phong trào BVANTQ thuộc Phòng Tham mưu tổng hợp Công an tỉnh để thành lập Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT.

Lãnh đạo Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng-Nguyên Đội trưởng đội dân phòng thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa

Ngày 11/8/1994, Giám đốc Công an tỉnh có Quyết định số 105-QĐ/PX11 tách Tổ Nghiên cứu hướng dẫn về công tác phong trào BVANTQ, thuộc Phòng Tham mưu - tổng hợp thành lập Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT thuộc Giám đốc Công an tỉnh.

Những ngày đầu thành lập, Phòng Công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTT có chức năng nghiên cứu, đề xuất Giám đốc Công an tỉnh những chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng phong trào TDBVANTQ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT của địa phương; phối hợp các ban, ngành, hội, đoàn thể quần chúng ở địa phương tổ chức, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng phong trào TDBVANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và ngoài xã hội; phối hợp các phòng, công an cấp huyện xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến về phong trào TDBVANTQ,...

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân là các tấm gương tiêu biểu không sợ hy sinh khi làm nhiệm vụ để bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Đó là liệt sĩ Hà Văn Thành - Phó Trưởng Công an xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng; liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng - Đội trưởng đội Dân phòng thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa; Nguyễn Văn Đúng - Đội trưởng đội Dân phòng xã Long Hiệp, huyện Bến Lức; liệt sĩ Trần Ngọc Lương và thương binh Nguyễn Thành Trọng, ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước, dũng cảm truy bắt đối tượng cướp tài sản, được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho 1 cá nhân; truy tặng và tặng Huân chương Dũng cảm cho 2 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 3 tập thể; hàng ngàn tập thể, cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng cờ, bằng khen có thành tích trong phong trào TDBVANTQ.

Nhiều mô hình hiệu quả

Một trong những mô hình phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả thiết thực nhất là mô hình “Đội Dân phòng liên xã phòng, chống tội phạm huyện Bến Lức". Hiện nay, mô hình này được nhân rộng trên toàn tỉnh.

Qua gần 10 năm thành lập, các thành viên trong đội vừa chạy xe Honda khách, vừa tham gia phòng, chống tội phạm. Khi nhận được tin báo có cướp, cướp giật, trộm tài sản, tai nạn giao thông,... các thành viên trong đội chốt chặn, phối hợp lực lượng công an và người dân bắt giữ đối tượng.

Đúc kết từ mô hình “Tiếng mõ an ninh biên giới” ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ và xuất phát từ yêu cầu thực tế trong công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới, nhiều xã biên giới chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”.

Năm 2004, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh xây dựng mô hình “Cổng phòng, chống tội phạm” với 4 cổng, nguồn kinh phí do xã và người dân đóng góp. Do đặc điểm cặp theo các tuyến kênh là đường giao thông nông thôn, khi đối tượng gây án chỉ tẩu thoát theo các tuyến này nên việc xây dựng cổng phòng, chống tội phạm rất hiệu quả. Công an huyện tham mưu Ban Chỉ đạo huyện nhận rộng mô hình ra toàn huyện, được Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo nhân rộng trong toàn tỉnh và mô hình được đổi tên “Cổng ANTT”.

Mô hình Camera giám sát an ninh trật tự được nhân rộng trên toàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển mạnh mẽ 75 mô hình phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả thiết thực: Tiếng kẻng vùng biên; Cổng ANTT; Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về ANTT; Ánh sáng ANTT; Vùng giáo an toàn về ANTT; Tiếng loa lưu động; 5 lực lượng phối hợp tuần tra phòng, chống tội phạm;...

Đặc biệt, sức lan tỏa của phong trào TDBVANTQ còn được thể hiện qua việc lực lượng công an phát động thực hiện mô hình “Camera giám sát ANTT”.

Tháng 10/2015, mô hình này xuất hiện đầu tiên ở xã Phước Lợi, huyện Bến Lức và xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Với phương châm “Internet đến đâu, camera an ninh đến đó”, xã Mỹ Lộc vận động các tổ chức, cá nhân hơn 1 tỉ đồng gắn camera trên khắp các tuyến giao thông trên địa bàn xã.

Hình ảnh camera ghi được phục vụ tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, truy xét, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, góp phần tích cực trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đến nay, 15/15 huyện, thị xã, thành phố lắp đặt camera tại các tuyến giao thông khu dân cư trọng điểm, phức tạp về ANTT. Trong đó, huyện Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An có 100% xã, phường, thị trấn lắp đặt camera. Các địa phương vận động tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 13 tỉ đồng lắp đặt trên 2.200 camera giám sát ANTT.

Từ khi được thành lập đến nay, Phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ Công an tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Long An không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo lập được nhiều tích xuất sắc./.

Thúy Phượng

Chia sẻ bài viết