Tiếng Việt | English

08/02/2016 - 17:19

70 năm đọc lại bi thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch

Xuân Bính Tuất - 1946, cách đây tròn 70 năm, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa được khai sinh với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trước hàng vạn chiến sĩ, đồng bào.

Độc lập, hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp gây hấn, chúng muốn trở lại cướp nước ta một lần nữa. Sau vụ nổ súng ở Sài Gòn ngày 23-9-1945, chiến tranh có nguy cơ lan rộng khắp vùng Nam bộ và Nam Trung bộ. Cùng thời điểm đó, 18 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc. Trước tình hình ấy, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (ngày 25-11-1945) vạch trần âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù, chuẩn bị cho “Toàn quốc kháng chiến” lần thứ nhất.

Tết Bính Tuất - 1946 năm ấy, giữa khí thế sục sôi của “Lời thề độc lập” còn âm vang, dù bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà thơ Hồ Chí Minh cũng không quên sáng tác bài thơ: “Thư gửi chiến sĩ và đồng bào cả nước”.

Nguyên văn bài thơ ấy như sau:

Thư gửi chiến sĩ và đồng bào cả nước

Hỡi các chiến sĩ yêu quý,
“Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc là ta sẽ tết sau sum vầy”.
Chúc đồng bào:
“Trong năm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc chóng thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi”.
Việt Nam độc lập muôn năm!

Xuân Bính Tuất-1946 (Báo “Cứu quốc”, số 155, ngày 5-2-1946)

70 mùa xuân đi qua, mỗi khi tết đến, xuân về, lần giở những trang thơ chúc tết của Người, lòng chúng ta ai cũng bồi hồi, thấm thía những lời và thơ dung dị mà thật sâu lắng, thiêng liêng đến kỳ lạ.

Từ ngày Bác đi xa, không còn được nghe lời thơ chúc tết của Người, nhưng cả dân tộc Việt Nam thật tự hào vì niềm mong ước tột bật của vị lãnh tụ vô vàn kính yêu đã trở thành hiện thực. Điều đặc biệt hơn, những khát khao cháy bỏng, những ước vọng trọn đời “vì nước, vì dân...” của vị lãnh tụ được hóa vào những vần thơ dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ. Đó là tài sản vô giá của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu thơ và giàu chất nhân văn.../.

Ngọc Lộc (giới thiệu)

Chia sẻ bài viết