Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Công bố báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 25/3 cho thấy tổng lượng trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi đã tăng 7,1%, lên tới mức cao nhất từ trước đến nay là 9.000 tỷ USD trong năm 2021.
Như vậy, trong ba tháng cuối năm 2021, tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ của Đông Á mới nổi đã tăng 3,6% so với quý trước, lên tới 22.800 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 30/11/2021 đến 9/3, lãi suất trái phiếu trong khu vực đã tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và lãi suất gia tăng ở các thị trường tiên tiến.
Các nền kinh tế thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng kiến lượng phát hành trái phiếu nội tệ cao kỷ lục với 1.500 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này chiếm 17% tổng lượng phát hành ở Đông Á mới nổi, bao gồm Trung Quốc; HongKong (Trung Quốc); Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.
Tổng lượng trái phiếu Chính phủ đang lưu hành trong khu vực đạt 14.300 tỷ USD vào cuối năm 2021, trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng lên tới 8.500 tỷ USD. Tăng trưởng của phân khúc trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ trong quý cuối cùng của năm, trong bối cảnh sự chững lại của Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực.
Tại Việt Nam, mức tăng trưởng nhanh hơn trong cả phân khúc trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã thúc đẩy thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng tới 9,8% so với quý trước, lên 91,5 tỷ USD vào cuối tháng 12/2021. Mức tăng trưởng hằng năm cũng nhanh hơn, lên tới 25,5%.
Cũng theo nội dung báo cáo, trái phiếu Chính phủ tăng 5,3% so với quý trước lên 65,3 tỷ USD. Lượng phát hành tăng vọt khiến phân khúc trái phiếu doanh nghiệp tăng 22,7%. Hiện tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành là 26,3 tỷ USD.
Báo cáo cũng chỉ ra, tổng lượng trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc; HongKong-Trung Quốc; Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng lên tới 430,7 tỷ USD vào cuối năm 2021, so với con số 274,1 tỷ USD một năm trước đó. Trái phiếu xanh tiếp tục chi phối thị trường trái phiếu bền vững của khu vực, chiếm 68,2% trong tổng số, cho dù sự quan tâm tới trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững cũng đang gia tăng.
Ông Albert Park - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi vẫn rất mạnh, được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào. Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực đã duy trì lập trường tiền tệ thích ứng, ngay cả khi các nền kinh tế tiên tiến thắt chặt chính sách. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tiếp tục có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt hơn, từ đó có thể làm giảm thanh khoản và làm suy yếu các điều kiện tài chính.”
Phí bảo hiểm rủi ro đã tăng lên trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư ảm đạm hơn do việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến thắt chặt tiền tệ và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Lần đầu tiên kể từ năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất vào ngày 16/3 và cho thấy khả năng tăng thêm lãi suất khi lạm phát gia tăng, một phần do sự gia tăng giá dầu và lương thực liên quan đến chiến tranh. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và quỹ đạo không chắc chắn của đại dịch COVID-19 cũng đang đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu.
Được biết, ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á nêu bật những cuộc thảo luận về sự tham gia của khối ngoại vào thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của châu Á và những rủi ro về ổn định tài chính đi kèm, cũng như các yếu tố quyết định việc phát hành trái phiếu quốc tế chính phủ bằng đồng nội tệ ở các thị trường mới nổi. Ấn bản lần này cũng trình bày kết quả của cuộc khảo sát thanh khoản thị trường trái phiếu thường niên 2021 AsianBondsOnline.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực./.
Thúy Hà (Vietnam+)