Dưới mái đình Vạn Phước, sân khấu liên hoan đờn ca tài tử vừa trang nghiêm, vừa ấm áp
Giao lưu, không thi thố
Đối với người chơi tài tử, được ngồi lại bên nhau tại nơi thờ phụng tiền nhân, người có công lớn với đờn ca tài tử (ĐCTT) vốn là một niềm hạnh phúc. Sau 1 năm dài miệt mài với việc gìn giữ, bảo tồn ĐCTT, trau dồi kinh nghiệm, học hỏi thêm về cả kỹ thuật lẫn kiến thức thì đêm liên hoan dưới mái đình Vạn Phước chính là hoạt động được chờ đợi nhất, để những trái tim đam mê tài tử tụ hội về, kể cho nhau nghe những gì mình làm được.
Đối với các nghệ nhân, tài tử, việc gặp gỡ, cùng nhau hòa đờn, cất tiếng ca là điều quan trọng nhất khi dự liên hoan. Tài tử Phan Thanh Tú (Ban ĐCTT Tây Ninh) kể, để dự Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng nhân húy kỵ đức nhạc sư, đoàn của Tây Ninh đi từ sớm và dự định sẽ về trong đêm. Dù vất vả nhưng ông không giấu được niềm vui. Tài tử Thanh Tú nói: “Chỉ Long An mới có hoạt động ĐCTT nhân húy kỵ thầy Ba Đợi, vì đây là nơi thờ phụng đức nhạc sư. Người chơi tài tử mọi nơi phải về đây chứ! Đã thành thông lệ hàng năm nên năm nào vắng là buồn, nhớ lắm! Chúng tôi chỉ cần được gặp gỡ nhau, cùng đờn, hát giao lưu, trò chuyện là vui nhất rồi. Vì đây là tài tử mà!”.
Theo Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ, ĐCTT vốn là thú chơi tao nhã. Sự thăng hoa lúc đờn, ca còn tùy thuộc vào tâm trạng, cảm xúc của người chơi. Vì vậy, khi tham gia giao lưu đờn, ca, không nặng về việc tranh tài, thi thố sẽ tạo cho các nghệ nhân, tài tử tâm lý thoải mái, có nhiều cơ hội tự do sáng tạo cũng như giúp liên hoan nhân lễ húy kỵ đức nhạc sư ý nghĩa hơn. Tiếp thu ý kiến đó của nhà nghiên cứu, Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng năm 2023 có sự thay đổi. Ban Giám khảo liên hoan với vai trò góp ý, chấm điểm, xếp hạng các tiết mục để Ban Tổ chức trao giải không còn nữa. Thay vào đó là Ban Tham vấn nghệ thuật với vai trò chọn một số tiết mục nổi bật, có sự đầu tư, chăm chút để Ban Tổ chức khen thưởng, động viên. Các nghệ nhân, tài tử bước lên sân khấu với tâm thế giao lưu, học hỏi, “báo công” với tiền nhân về những nỗ lực duy trì và phát huy nghệ thuật truyền thống.
Gìn giữ lẫn phát huy
Có lẽ do nhiều năm gián đoạn, các nghệ nhân, tài tử phải chờ đợi quá lâu nên khi gặp lại nhau, cảm xúc dâng trào khiến các tiết mục đờn, ca như có phần thăng hoa hơn! Theo đánh giá của Ban Tham vấn nghệ thuật trong Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng năm 2023, các ban ĐCTT tham gia liên hoan dù là cấp tỉnh hay cấp huyện đều biểu diễn đầy nội lực với chất lượng các tiết mục gần như tương đương nhau.
Không chỉ nâng cao về chất lượng, liên hoan còn thể hiện rõ sự tiếp nối, phát huy trong quá trình giữ gìn nghệ thuật ĐCTT. Sự xuất hiện của nhiều nhân tố trẻ, tài năng là điểm nhấn đặc biệt của liên hoan lần này. Cũng tham gia Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng nhưng lần này, Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa giữ vai trò cố vấn cho các nghệ nhân, tài tử khác. Ông chia sẻ, đây là một trong những cơ hội để các tài tử trẻ được “cọ xát” và học hỏi nên ông cùng các nghệ nhân ưu tú “lùi lại phía sau”. Hầu hết các ban ĐCTT tham gia liên hoan lần này có đủ thành phần, gồm lão niên, trung niên và thiếu niên. “Tôi thực sự rất mừng khi lực lượng kế thừa đang phát triển mạnh mẽ” - Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ chia sẻ.
Có thể nói, khi nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì loại hình nghệ thuật này lại càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của người dân và các cấp chính quyền. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết, việc tổ chức liên hoan ĐCTT nhân húy kỵ đức nhạc sư chính là nỗ lực của ngành Văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT cũng như xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Sau 2 đêm biểu diễn, 12 ban ĐCTT trong và ngoài tỉnh với gần 150 nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca đã cống hiến cho giới thưởng ngoạn và quần chúng nhân dân những tiết mục đặc sắc, ngọt ngào, thể hiện kỹ năng, am hiểu về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.
Đến hẹn lại lên, sau mùa gặt lúa, trong những đêm trăng tròn, đẹp của tháng Giêng, tiếng đờn, lời ca lại vang lên dìu dặt, ngọt lịm ở đình Vạn Phước, thu hút đông đảo người dân đến nghe, hiểu và yêu hơn về truyền thống quê nhà./.
Quế Lâm