Ăn chay với tiêu chí "xanh - sạch - lành"
Trước kia, nhiều người quan niệm, việc ăn chay là niềm tin tôn giáo hoặc vì muốn giảm cân. Ăn chay có thể hiểu đơn giản là không ăn thịt động vật nên hoàn toàn có thể thay thế thịt động vật bằng rất nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng khác. Hiện nay, nhiều bạn trẻ đang hướng đến việc ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó, việc ăn chay đang dần trở nên phổ biến.
Lê Thụy Bảo Thy, sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ: “Ăn chay không chỉ là ăn rau mà còn kết hợp chả, nấm và đậu hủ,... Các món chay cũng cung cấp đầy đủ các chất đạm, xơ, chất béo,... nên không lo việc ăn chay sẽ thiếu dinh dưỡng”. Theo Bảo Thy, ăn chay bên cạnh việc giúp bạn thay đổi khẩu vị, lâu dần tinh thần cũng trở nên thoải mái hơn.
Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Minh Thư, hiện là người sáng tạo nội dung, sinh sống tại TP.HCM, cho biết, vì tính chất công việc nên đôi khi bị stress. Từ khi bạn đưa các món chay vào thực đơn hàng ngày, tinh thần trở nên thoải mái hơn.
Theo các chuyên gia, việc ăn chay rất tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì, cao huyết áp, loãng xương,... Bên cạnh đó, ăn chay còn giúp tăng cường chức năng não, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, làm sạch máu và các bệnh về tim mạch khác nhau,...
Tuy nhiên, nếu ăn chay không đúng cách hay thiếu chất sẽ rất có hại cho cơ thể, nguy cơ bị đột quỵ, ảnh hưởng sinh sản là rất lớn. Vì thế, theo các chuyên gia, ăn chay cần ăn đa dạng nhiều thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, đầy đủ các nhóm thực phẩm: Chất bột, đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Các món chay ngày càng đa dạng, phong phú
Nhiều sự lựa chọn cho người ăn chay
Hiện nay, việc ăn chay không quá khó, có rất nhiều sự lựa chọn như mua các món ăn chế biến sẵn có tại các quán chay hay mua các thực phẩm chay tại các chợ, siêu thị. Trên địa bàn TP.Tân An, không khó để tìm gặp quán ăn chay, trong đó có quán chay Âu Lạc (phường 2, TP.Tân An), quán đã có tuổi đời gần 25 năm.
Chị Đặng Thị Cẩm Giang (chủ quán) chia sẻ: “Mỗi ngày, quán đều có hơn 30 món, ngày chay sẽ nhiều hơn, món canh, kho, xào,... giá trung bình chỉ 25.000 đồng/phần ăn. Với giá hợp lý nên quán thu hút khá đông thực khách”. Chị còn cho biết, quán được các bạn trẻ tìm đến nhiều, nhất là các bạn học sinh cấp 3 và sinh viên.
Chị Đặng Thị Cẩm Giang, chủ quán chay Âu Lạc
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng tận dụng mạng xã hội để kinh doanh các thực phẩm chay, vừa để có nguồn thu nhập, vừa lan truyền thông điệp "sống xanh" đến nhiều người. Nguyễn Khoa Nam, 29 tuổi, sinh sống tại Cần Thơ, hiện kinh doanh các sản phẩm chay tại fanpage Bếp Từ Bi.
Khoa Nam cho biết, hiện cơ sở có gần 20 sản phẩm chay các loại. “Bản thân mình và gia đình đều ăn chay trường nên chọn kinh doanh thực phẩm chay. Mình muốn lan truyền thông điệp... sống xanh đến mọi người”, Khoa Nam bộc bạch.
Bạn Nguyễn Khoa Nam, chủ fanpage Bếp Từ Bi
Để nấu được các món chay hiện nay cũng không khó, chỉ cần gõ từ khóa “hướng dẫn nấu món chay” trên Google sẽ cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm và bài viết hướng dẫn. Các nguyên liệu trên thị trường cũng không quá đắt và dễ tìm mua. Rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn tự mình nấu các món chay tại nhà, vừa tiết kiệm, vừa lan tỏa việc ăn uống lành mạnh.
Theo khảo sát, năm 2022, Việt Nam đã nhập đến 180 triệu sản phẩm thịt thực vật theo đường chính ngạch, chưa kể tiểu ngạch, từ đó cho thấy, thị trường đồ chay tại Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và xu hướng ăn chay tại Việt Nam ngày một tăng./.
Khánh Duy