Tiếng Việt | English

03/04/2022 - 09:55

An dân giữ đất biên cương

Thực hiện Đề án Xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng (đề án) là một chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm hình thành lực lượng tại chỗ hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới; đồng thời, thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, nâng cao sức mạnh phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Lực lượng chức năng trao đổi thông tin với những hộ dân sinh sống trên điểm dân cư trong chuyến tuần tra biên giới

Lực lượng chức năng trao đổi thông tin với những hộ dân sinh sống trên điểm dân cư trong chuyến tuần tra biên giới

Đề án thể hiện “ý Đảng hợp lòng dân”

Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, quá trình triển khai, thực hiện đề án được tiến hành toàn diện, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn biên giới. Đại tá Trần Vinh Ngọc - Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, nhận định: Quá trình quán triệt, triển khai, thực hiện chủ trương xây dựng đề án nhận được sự thống nhất và đồng tình của nhân dân trên địa bàn, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các cấp, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả đề án. Đến nay, tỉnh xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng 113 căn nhà trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường, vượt chỉ tiêu Quân khu giao là 73 căn và hoàn thành trước thời gian 3 năm theo đề án của Quân khu.

"An cư, lạc nghiệp", người dân sinh sống trên các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm, biên phòng bắt đầu ổn định cuộc sống với thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/hộ/năm, điển hình như Điểm dân cư xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa; xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng; đặc biệt là Điểm dân cư xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng với 20 căn nhà xây dựng rất khang trang, sạch đẹp. Trong đó, huyện Vĩnh Hưng đầu tư 760 triệu đồng để bảo đảm điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt cho người dân nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo cho biết: Đề án là chủ trương đúng đắn, thể hiện “ý Đảng hợp lòng dân”. Các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng được triển khai xây dựng bảo đảm chất lượng, kết hợp giữa nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP.HCM, địa phương và gia đình được thụ hưởng. 20 căn nhà tại Điểm dân cư trên địa bàn xã Thái Bình Trung được xây dựng gắn liền với sản xuất, được kết nối điện lưới, đảm bảo nước sạch sinh hoạt và hạ tầng giao thông kết nối với các khu vực dân cư hiện hữu. Các gia đình trong điểm dân cư đều có đất sản xuất tại chỗ, địa phương hỗ trợ việc làm, sinh kế, đảm bảo ổn định đời sống. Những hộ dân trên điểm dân cư cũng tích cực hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới.

Mỗi người dân là “cột mốc sống” nơi biên cương

Nằm sát đường tuần tra biên giới là 20 căn nhà trên Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Cuộc sống nơi đây có nhiều khởi sắc. Những cánh đồng lúa, ruộng mè đang vào vụ, những ruộng sen đơm bông, đàn bò hàng trăm con đang gặm cỏ ngoài đồng, nhiều hàng quán mọc lên để phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống ở nơi tiền tiêu biên giới.

Bí thư Đảng ủy xã Thái Bình Trung - Trần Thị Yến thông tin: Sau hơn 2 năm đến sinh sống trên điểm dân cư chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng, đời sống người dân ổn định và từng bước đi lên. Thu nhập bình quân đầu người từ 50-60 triệu đồng/năm. Có các hộ dân sinh sống tại đây đã phát hiện, thông báo lực lượng dân quân, biên phòng, công an ngăn chặn kịp thời những vụ buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép,... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo nên thế trận quốc phòng, thế phòng thủ liên hoàn trên tuyến biên giới.

Trồng sen là một trong những mô hình giúp người dân biên giới ổn định cuộc sống

Trồng sen là một trong những mô hình giúp người dân biên giới ổn định cuộc sống

Ngôi nhà của gia đình anh Hồ Văn Sơn được xây dựng khang trang, đối diện nhà là cột mốc biên giới 220. Anh Sơn là dân quân của xã. Hơn 15 năm trước, gia đình anh gồm 4 người tá túc trong căn nhà sàn dựng tạm cặp dòng kênh Cái Cỏ. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, gia đình anh được xây tặng nhà trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Từ đó, cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định với thu nhập bình quân từ 400-500 triệu đồng/năm.

Anh Sơn chia sẻ: “Giờ cuộc sống quá tốt rồi, người dân đoàn kết, lo làm ăn, bám đất cùng các lực lượng giữ gìn biên giới. Ngày nào ra thăm đồng, tôi cũng nhìn, trông coi cột mốc biên giới”.

Đời sống gia đình chị Phạm Thị Hoa, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, cũng ngày càng nâng chất. Hiện gia đình chị trồng 0,5ha mít Thái và có một trang trại nuôi bò theo mô hình lấy thịt sạch. Nhìn cơ ngơi hiện tại, không ai nghĩ rằng, anh chị lên biên giới lập nghiệp, từng cất nhà tạm bợ ngay sát biên giới, không đường, không điện, không nước sinh hoạt của 25 năm về trước.

Trên những điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng, mỗi hộ dân là một "cột mốc sống", sát cánh cùng lực lượng vũ trang góp phần giữ vững biên cương Tổ quốc./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết