Tiếng Việt | English

06/05/2021 - 09:26

Ấn Độ chiếm gần nửa số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu

Báo cáo từ WHO cho thấy, Ấn Độ chiếm tới 46% số ca nhiễm và 20% số ca tử vong bởi Covid-19 trên toàn thế giới trong tuần qua.

Trong báo cáo dịch tễ học mới được công bố hôm 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thế giới tuần qua ghi nhận hơn 5,7 triệu ca nhiễm cùng hơn 93.000 trường hợp tử vong bởi Covid-19.

Đáng chú ý, Ấn Độ chiếm tới 46% ca nhiễm mới với gần 2,6 triệu trường hợp. Trong khi đó, với 23.231 ca tử vong trong tuần qua, nước này cũng chiếm tới 20% số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới.

Dữ liệu trong báo cáo của WHO dựa trên các ghi nhận chính thức về tình hình dịch Covid-19 của giới chức Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 ở quốc gia Nam Á so với thế giới trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.


Ấn Độ chiếm tới 46% số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu trong tuần qua. Ảnh: Reuters

Trong 24 giờ qua, giới chức Ấn Độ ghi nhận 382.315 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 3.780 ca tử vong. Con số này nâng tổng số người tử vong vì Covid-19 ở nước này lên hơn 226.000 người.

Cho đến nay, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 2 có trên 20 triệu ca nhiễm Covid-19.

Canada cho phép tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi

Bộ Y tế Canada hôm 5/5 cho biết đang cho phép sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. "Bộ Y tế khẳng định rằng, loại vắc-xin này an toàn và hiệu quả khi được sử dụng cho nhóm tuổi trẻ hơn", Supriya Sharma, cố vấn cấp cao của Bộ Y tế Canada, cho biết trong một cuộc họp báo. 

Theo hãng thông tấn Reuters, khoảng 20% ​​trong tổng số 1.249.950 ca nhiễm Covid-19 ở Canada được ghi nhận ở những người dưới 19 tuổi. Nước này cũng đã ghi nhận hơn 24.300 trường hợp tử vong bởi virus corona.

Canada dù đã mua hàng chục triệu liều vắc-xin Covid-19, nhưng những người chỉ trích cho rằng tốc độ tiêm chủng diễn ra quá chậm trễ, trong bối cảnh việc phân phối vắc-xin tại 10 tỉnh của Canada đang rơi vào trạng thái đình trệ.  

Quan chức Mỹ thừa nhận cần sớm bỏ độc quyền vắc-xin Covid-19

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 5/5 thừa nhận sự cấp thiết của việc mở rộng nguồn cung vắc-xin Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Bà Tai cho biết, quan điểm của Washington đối với vấn đề vắc-xin là bảo đảm tăng cường việc tiếp cận và "bảo vệ mạng sống" của người dân.  

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang cân nhắc với các đề nghị từ Ấn Độ, Nam Phi và một số nước đang phát triển về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vắc-xin Covid-19. 

Nhiều chuyên gia cảnh báo, chỉ riêng việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không đủ để mở rộng nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu. Họ cho biết điều cốt yếu là các tập đoàn dược phẩm cần chuyển giao cả quy trình, công nghệ sản xuất vắc-xin của mình.

Covid-19 hoành hành trở lại đảo quốc có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Theo hãng thông tấn AP, Seychelles đầu tuần này đã phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế để ngăn dịch Covid-19, bao gồm đóng cửa trường học, hủy các hoạt động thể thao, đóng cửa quán bar, cấm tụ tập đông người trong vòng 2 tuần. Đây là các biện pháp mà Seychelles từng áp dụng hồi cuối năm ngoái.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số người nhiễm Covid-19 có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, với tổng cộng 497 ca nhiễm mới trong 3 ngày qua. Tính đến thời điểm hiện tại, Seychelles ghi nhận hơn 6.400 ca nhiễm Covid-19. Biến thể mới từ Nam Phi của virus corona đã bị phát hiện ở một số ca bệnh.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở Seychelles bất chấp việc phần lớn dân số đảo quốc này đã được tiêm chủng. Theo Bộ Y tế Seychelles, nước này đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 cho gần 60.000 người, tương đương 85% dân số trưởng thành, và đủ 2 mũi cho khoảng 62% dân số trưởng thành. Với thành tích này, Seychelles là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới./.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết