Bệnh viện Phổi Long An tích cực triển khai tốt các hoạt động khám, thu nhận, điều trị, quản lý bệnh nhân lao trên địa bàn toàn tỉnh
Tăng cường phát hiện bệnh lao
Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể gây tổn thương ở nhiều bộ phận cơ thể nhưng phổ biến nhất là lao phổi (80-85%), chiếm tỷ lệ cao nhất, là nguồn lây nhiễm chính cho những người xung quanh.
Thời gian qua, công tác phòng, chống lao trên cả nước nói chung, Long An nói riêng đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống y tế phòng, chống bệnh lao và bệnh phổi hoạt động hiệu quả. Tình trạng lây truyền bệnh lao kháng thuốc trong cộng đồng từng bước được khống chế.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An - Bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết: Thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tầm soát, phát hiện và đưa vào điều trị tất cả những người mắc bệnh lao để giảm nguồn lây trong cộng đồng.
Bệnh viện Phổi Long An tích cực triển khai tốt các hoạt động khám, thu nhận, điều trị, quản lý bệnh nhân lao trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tích cực phối hợp triển khai tập huấn, đào tạo, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống lao tại tuyến dưới.
Hiện mạng lưới phòng, chống lao triển khai đến 100% tuyến cơ sở và có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các tuyến trong công tác phát hiện, quản lý, điều trị bệnh, bảo đảm tốt công tác sàng lọc, phát hiện, thu dung và quản lý điều trị bệnh lao.
Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2024-2026 với những can thiệp, hoạt động toàn diện và đồng bộ nhằm phát hiện và điều trị nhiều nhất số ca lao mắc mới trong cộng đồng, góp phần đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030 như đã cam kết với quốc tế và Chính phủ.
Trong năm, tổng số người được khám sàng lọc là hơn 16.800 người. Qua đó, chẩn đoán và đưa vào điều trị hơn 2.100 người lao nhạy cảm; chẩn đoán, điều trị 92 người lao kháng thuốc; phát hiện và điều trị 706 người lao tiềm ẩn.
Tiến tới chấm dứt bệnh lao
Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát bệnh và điều trị kịp thời
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác phòng, chống lao còn nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn nặng nề. Hàng năm, ước tính Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc bệnh lao và khoảng 13.000 người tử vong vì bệnh lao. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên toàn cầu.
Bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết thêm: Tại Long An, công tác phòng, chống bệnh lao còn khó khăn do ý thức chủ động phòng, chống, điều trị bệnh và sự quan tâm của người dân còn chưa cao.
Người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khỏe cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh.
Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền phòng, chống lao và các hoạt động sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng còn hạn chế. Nhân lực tham gia phòng, chống lao thường xuyên thay đổi. Việc theo dõi và quản lý bệnh nhân còn khó khăn.
Nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện đạt mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bệnh viện Phổi Long An tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống lao năm 2025 và kế hoạch phòng, chống lao giai đoạn 2026-2030.
Trong đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng, chống lao tại các tuyến.
Hiện nay, Bệnh viện Phổi Long An được đầu tư mở rộng với quy mô 200 giường, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2026. Đây là điều kiện để việc điều trị bệnh nhân lao nội trú được tốt hơn và hạn chế tình trạng lao kháng thuốc, góp phần tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.
Bệnh lao là bệnh chữa khỏi được. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là ngành Y tế, khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát bệnh và điều trị kịp thời. Qua đó, góp phần giảm gánh nặng do bệnh lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội./.
Ngọc Mận