Tiếng Việt | English

14/01/2025 - 19:04

Cơn đau do mắc bệnh thận - tiết niệu biểu hiện ra sao?

Hiện nay, các bệnh liên quan đến thận ngày càng xuất hiện nhiều, gây lo lắng cho người bệnh. Trong đó có một số dấu hiệu bất thường của cơ thể nghi ngờ mắc bệnh thận mà mỗi người có thể nhận biết sớm, từ đó đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời.

Bệnh nhân suy thận mạn lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - Ảnh: BVCC

Dấu hiệu mắc bệnh lý thận qua các cơn đau

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - phó trưởng khoa thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, thận được ví như nhà máy lọc và xử lý chất độc cho cơ thể.

Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, giúp loại bỏ các chất độc tồn đọng trong máu và giúp các chất trong hệ tuần hoàn ổn định về nồng độ. Chưa kể thận còn tham gia một số hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, xương và ổn định huyết áp.

Bệnh thận là thuật ngữ chung dùng để chỉ những trường hợp thận bị tổn thương, hư hỏng và không thể lọc máu theo cách bình thường.

Trong đó đau trong bệnh lý thận - tiết niệu thường là do tăng áp lực trong đường dẫn niệu trên do tắc nghẽn (sỏi tiết niệu), hoặc do nước tiểu quay ngược bàng quang - niệu quản. Hoặc do viêm tấy quanh thận, áp xe thận, thận ứ mủ; tổn thương ở bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt.

Một số dấu hiệu bất thường của cơ thể nghi ngờ có bệnh lý thận người dân cần lưu ý

- Cơn đau quặn thận: Là biểu hiện của sự tăng áp lực cấp tính đường dẫn niệu ở trên chỗ tắc nghẽn. Nguyên nhân đa số là do sỏi niệu quản, tuy nhiên có thể gặp tắc nghẽn do cục máu đông.

- Đau hố sườn lưng: Thường là biểu hiện của thận ứ nước, ứ mủ, sỏi đài bể thận, viêm thận bể thận, viêm tấy quanh thận.

- Đau vùng sườn thắt lưng kèm theo sốt cao, rét run, bạch cầu trong máu tăng, có bạch cầu niệu, protein niệu thường là biểu hiện của viêm thận, bể thận cấp hoặc viêm tấy quanh thận.

- Đau bàng quang: Là triệu chứng thường gặp và thường có kèm theo đái dắt, đái buốt, biểu hiện của viêm bàng quang hoặc kích thích bàng quang do sỏi, dị vật.

- Đau tuyến tiền liệt: Đau nhiều vùng quanh hậu môn, lan ra niệu đạo và hai mặt trong đùi. Đau thường kèm có đái ngập ngừng, đái nhỏ giọt, đái khó, tia bé. Thăm trực tràng, ấn vào tuyến tiền liệt cảm giác đau tăng, có khi đau chói. Nguyên nhân do u hoặc viêm, áp xe tuyến tiền liệt.

- Đau tinh hoàn, mào tinh hoàn: Tình trạng viêm hoặc xoắn tinh hoàn gây đau cấp tính, lan lên hai bên hố chậu, vùng hạ vị. Khám thấy tinh hoàn và mào tinh hoàn sưng đau, bìu bị phù nề. Có thể kèm theo đái buốt, đái dắt nếu có kết hợp với viêm bàng quang.

Dấu hiệu toàn thân nghi ngờ bệnh lý thận

Theo bác sĩ Thúy, người mắc bệnh lý thận thường có triệu chứng mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Chức năng thận suy giảm nghiêm trọng dẫn đến sự tích tụ độc tố cũng như tạp chất trong máu. Điều này khiến lượng oxy và dưỡng chất trong hồng cầu giảm theo, người bị bệnh thận thường kèm theo thiếu máu, khiến cơ thể trở nên mệt mỏi.

Khó ngủ: Khi hoạt động lọc - thải của thận không như bình thường, các độc tố sẽ tích tụ trong máu thay vì được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua đường tiểu, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh thấy khó ngủ.

Da khô và ngứa: khi thận mất khả năng duy trì cân bằng mật độ khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu, một loạt bệnh lý liên quan đến xương và chất khoáng có thể phát sinh, gây ngứa hoặc khô da.

Chán ăn, buồn nôn: khi thận suy, các độc tố tăng cao, người bệnh thấy chán ăn, buồn nôn, hơi thở có mùi hôi, khó chịu.

Dấu hiệu thiếu máu liên quan đến bệnh thận mạn gây suy thận

Các dấu hiệu dễ nhận thấy như người bệnh có da xanh xao, nhợt nhạt, đặc biệt nếu thiếu máu nặng có thể thấy hụt hơi, hoa mắt, chóng mặt, hạn chế vận động do mệt…

Tăng huyết áp, khi có tăng huyết áp cần kiểm soát tốt, theo dõi định kỳ để phát hiện các biến chứng, trong đó có biến chứng lên thận…

Để có kết luận chính xác, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm kiểm tra, từ đó các bác sĩ, chuyên gia y tế sẽ đánh giá chức năng của thận, có những chẩn đoán bệnh và điều trị phù hợp./.

Chủ động phòng bệnh

Theo các bác sĩ, để duy trì chức năng thận, phòng tránh các bệnh lý về thận thì cần uống đủ nước, thường xuyên vận động vừa sức, duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì.

Kiểm soát đường huyết, theo dõi huyết áp. Hạn chế sử dụng rượu bia và ngưng hút thuốc lá. Chú ý trong việc sử dụng thuốc không kê đơn. Đồng thời kiểm tra chức năng thận, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm.

Người bệnh suy thận ăn đạm thế nào cho đúng?

Người bệnh suy thận ăn đạm thế nào cho đúng? 

Suy thận mạn là một bệnh lý không lây, diễn tiến từ từ và hầu như không hồi phục.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/con-dau-do-mac-benh-than-tiet-nieu-bieu-hien-ra-sao-2025011417243844.htm

 
Chia sẻ bài viết