Tiếng Việt | English

23/11/2015 - 10:29

Khúc bi tráng mãi được tôn vinh

Bài 2: Những địa danh đi vào lịch sử

Đã 3/4 thế kỷ nhưng cuộc Khởi nghĩa nam kỳ ở Tân an - Chợ Lớn để lại dấu ấn không thể nào quên với những địa danh như: giồng Cám, Cầu Ông Chuồng, Long ngãi Thuận, mớp Xanh (Bo Bo),... đã đi vào lịch sử.


Đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các đồng chí tại trường bắn sân banh Cần Giuộc, ngày 26-5-1941 ( tranh Bảo tàng Long An)

Giồng Cám - Đức Hòa: Quản Nên đền tội

Đức Hòa là địa bàn mạnh trong Khởi nghĩa Nam kỳ. Thực hiện kế hoạch cướp quận lỵ Đức Hòa, đêm 22-11-1940, lực lượng đánh dinh quận tập kết sau đình thần Đức Hòa, vừa quan sát địch đi lại tuần tiễu (do đã được báo trước sẵn sàng phòng thủ), vừa đợi lệnh hành động. Quá giờ nhưng không thấy hiệu lệnh, lực lượng của Bình Thủy trong cánh quân đánh quận lỵ và Ban Chỉ huy rút về Giồng Cám (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng).

Tại đây, Ban Khởi nghĩa quyết định dùng kế “điệu hổ ly sơn” kéo địch ra khỏi quận để tiêu diệt, đoạt súng tăng cường võ trang, đối tượng chính phải trừng trị là Quản Nên (Trần Văn Nên), Trưởng đồn cảnh sát đang bảo vệ quận lỵ Đức Hòa, tên tay sai trung thành của thực dân Pháp khét tiếng gian ác, mà người dân ở đây từng bảo rằng “mỗi bước đi của nó là một mạng người”. Chính hắn đã đón bắt Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm ở ga Bến Lức năm 1928.

Sáng sớm ngày 23-11, Phó hương quản Phùng Văn Dần (người của ta) đến quận báo động “có cộng sản về Giồng Cám”. Nơi đó, một đoạn đường hẹp, lầy lội đi ngang qua một vuông rào, 14 đồng chí trang bị súng và dao phục kích trong 14 tăng xê (hố cá nhân), mỗi tăng xê cách nhau 1m, phía sau có 100 nghĩa quân sẵn sàng hỗ trợ, nơi đầu đường có bố trí 2 thiếu niên và 1 phụ nữ đón đường làm hiệu và dẫn vào ổ phục kích. Địa điểm phục kích Quản Nên chỉ cách quận đường 1,5km.

Quản Nên vừa từ Bình Trị Đông về, dù quận Hậu ngăn cản vì lệnh trên không cho ra khỏi đồn nhưng vẫn một mực xin đi tuần tiễu. Được chủ quận đồng ý, Quản Nên hăm hở dẫn lính, đeo súng, cưỡi xe đạp đi vào hướng có “báo động” và lọt vào ổ phục kích như kịch bản của ta. Đến ngay đoạn sình lầy, xe không thể chạy nhanh, bất ngờ, 2 phát súng nổ từ sau lũy tre xanh, quật ngã Quản Nên và Bếp Nhung. Nghĩa quân hò reo xông ra chém chết Quản Nên và Bếp Nhung tại chỗ. Số lính thì bị thương, được giáo dục và cảnh cáo rồi thả, ta thu 5 súng. Tin Quản Nên bị giết bay về quận làm địch sợ hãi, chia 3 đội lính phòng thủ chờ tiếp viện.

Giồng Cám - Đức Hòa đi vào lịch sử như là nơi diễn ra sự kiện diệt ác tiêu biểu nhất trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở Tân An-Chợ Lớn.

Cầu Ông Chuồng - Cần Giuộc: Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện

Cần Giuộc là một trong những địa phương tích cực chuẩn bị và tham gia cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ nhất ở Tân An-Chợ Lớn. Đêm 22 rạng 23-11-1940, dù không nhận được tín hiệu khởi nghĩa từ Sài Gòn và sau đó cũng không thực hiện được kế hoạch tấn công quận lỵ nhưng dưới sự lãnh đạo của bà “Hoàng hậu đỏ” - Nguyễn Thị Bảy và Quận ủy Cần Giuộc, nhiều làng ở đây nổi dậy mạnh mẽ. Từ vùng thượng đến vùng hạ, tại các làng: Phước Lâm, Phước Hậu, Thuận Thành, Phước Lại, Long Đức Đông, Long Hậu Tây, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Đông,... quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của các đảng viên đã đồng loạt kéo đi truy lùng tề ác, lấy súng, phá đường, cắt dây thép, chiếm nhà làng, đốt sổ bộ, diễn thuyết tuyên bố giành chính quyền,... làm cho bộ máy chính quyền địch ở cơ sở tê liệt, làng lính hoảng sợ bỏ trốn, gây ảnh hưởng chính trị sâu rộng trong nhân dân,...

Đặc biệt, lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đất Long An tại cầu Ông Chuồng, làng Phước Vĩnh Tây, mà như chúng ta đã biết, đó là mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam kỳ nhất trí sử dụng trong các cuộc đấu tranh, sau này được chọn làm Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập, do họa sĩ Nguyễn Hữu Tiến(1) thiết kế, thể hiện ý tưởng máu đỏ, da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm: Sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam mà tác giả đã gửi tâm huyết của mình vào trong đó qua bài thơ:

Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêngTổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì nước

Sao vàng tươi, da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sĩ-nông-công-thương-binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

Trà Cú, Long Ngãi Thuận - Thủ Thừa: Trận diệt đồn đầu tiên

Đồn Trà Cú là đồn nhỏ nằm ở bên bờ Vàm Trà Cú, nơi giáp ranh của 2 làng Long Ngãi Thuận (nay là Long Thạnh và Long Thuận, huyện Thủ Thừa) và Thuận Nghĩa Hòa (nay thuộc huyện Thạnh Hóa), địa điểm này nay thuộc xã Long Thạnh. Đồn Trà Cú là mục tiêu trong nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Thủ Thừa của cánh Tây-Bắc lộ Đông Dương để sau đó cùng tiến chiếm tỉnh lỵ của Ban Chỉ đạo khởi nghĩa tỉnh Tân An.

Sau thời gian theo dõi và chuẩn bị, sáng ngày 23-11-1940, lực lượng đánh đồn bí mật ém sát đồn, đồng thời, đồng chí Đặng Văn Truyện (Già Dép) bấy giờ là Thôn trưởng làng Long Ngãi Thuận vốn giao du, rượu chè nhẵn mặt với lính đồn, cùng 2 người khác như thường lệ cập xuồng vào bến rồi đi thẳng vào đồn rủ bọn lính đánh bài như mọi khi. Đợi lúc địch mất cảnh giác, đồng chí Truyện (vốn rất giỏi võ nghệ) bất thần tung tên Sửu trưởng đồn một cú đá trời giáng làm hắn vội bò xuống rạch lẩn trốn. Lập tức, nghĩa quân tràn vào chiếm giữ toàn bộ 6 súng, bắt sống 1 cai và 5 lính, trương cờ đỏ búa liềm lên đồn, hô vang khẩu hiệu, kêu gọi nhân dân hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây tràn về tiến chiếm quận lỵ Thủ Thừa. Trên đường đi, lực lượng khởi nghĩa chiếm giữ nhiều nhà việc và truy lùng tề ác nhưng chưa đến quận lỵ thì được tin việc không thuận lợi từ Sài Gòn.

Diệt đồn Trà Cú là trận đánh đồn ngoạn mục nhất, là chiến công chói lọi nhất trong Khởi nghĩa Nam kỳ ở Tân An-Chợ Lớn, có thể được xem là sự khởi đầu cho lịch sử đánh đồn của lực lượng cách mạng ở Long An về sau này.

Căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) - Đồng Tháp Mười: Anh hùng ẩn dật đợi thời cơ

Thực dân Pháp đàn áp quyết liệt sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, từ cuối năm 1940, đầu năm 1941, lực lượng nghĩa quân các quận ở các tỉnh: Tân An, Chợ Lớn, Gia Định đã lên khu vực kinh Bo Bo, Mớp Xanh thuộc các làng: Thạnh Lợi, Bình Thành, Bình Hòa (Bắc Thủ Thừa), là những nơi có cơ sở và phong trào mạnh, phần lớn tề làng ngả về phía cách mạng và trấp Rùng Rình (làng Phong Phú, Mộc Hóa) tiếp tục bắt liên lạc với lực lượng của Cai Lậy, Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) và bộ phận nghĩa quân của Chợ Lớn-Gia Định rút lên Truông Mít (Tây Ninh) trở về, thống nhất thành lập căn cứ Mớp Xanh (hay còn gọi căn cứ Bo Bo) trên một địa bàn rộng khoảng 35km, dài 70km, nằm giữa 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tiếp tục duy trì hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa lần 2.


Bản đồ căn cứ Mớp xanh - Bo Bo

Căn cứ có hẳn một “Ủy ban khởi nghĩa” với 5 tiểu ban giúp việc (tác chiến, tạo tác vũ khí, tuyên truyền báo chí, y tế và tiếp tế) và cơ quan tòa án để duy trì kỷ luật. Đến cuối tháng 3-1941, khi Xứ ủy chủ trương phân tán lực lượng ở căn cứ để tránh tổn thất do địch càn quét ác liệt, căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) tồn tại sau 4 tháng hoạt động nhưng làm cho Pháp và tay sai mất ăn, mất ngủ. Dù giải thể nhưng nghĩa quân vẫn duy trì hoạt động, gây cho địch nhiều tổn thất, đến khi có chủ trương của Đảng phân tán về bám các địa phương xây dựng cơ sở chuẩn bị cho giai đoạn cách mạng mới (12-1943). Với 6 lõm căn cứ, 1 căn cứ hoạt động vũ trang, hoạt động của nghĩa quân trên căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) đã diệt 68 tên địch, trong đó, 17 tên có tội ác nghiêm trọng, làm bị thương 70 tên, thu 30 súng các loại.

Hoạt động của nghĩa quân sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở căn cứ Mớp Xanh (Bo Bo) cho thấy tổ chức ở đây rất chặt chẽ, có tư tưởng, lập trường kiên định, vững vàng, kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh nhằm xây dựng lực lượng cách mạng theo đúng đường lối chính trị của Đảng. Đó là tiền đề để những chiến sĩ cộng sản chuẩn bị cho giai đoạn tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và vùng đất này trở thành “chiến khu bưng biền” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược về sau này./.

Nguyễn Tấn Quốc 

Chia sẻ bài viết