Đảo An Bang cùng đèn hải đăng từ xa nhìn lại
Trong hành trình đến với Trường Sa, có thể nói, lần ghé thăm đảo An Bang để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu đẹp nhất. Chúng tôi được cảm nhận một cách chân thực nhất về sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đảo xa, được thấy sự rắn rỏi, dũng cảm của những người lính và cả sự đón tiếp nồng ấm của những người lính Trường Sa.
An Bang đầy nắng gió
Sau khi ghé thăm đảo Thuyền Chài B, tàu KN290 lại tiếp tục đưa đoàn chúng tôi đến với đảo An Bang - một trong những đảo có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
12 giờ trưa, sau bữa cơm vội vã, đoàn chúng tôi được thông báo buổi chiều sẽ ghé thăm đảo An Bang, nhưng có lẽ một tin không được vui cho lắm khi chúng tôi nhận được thông tin điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn, việc lên đảo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và phải chờ ý kiến của chỉ huy.
1 giờ chiều, tàu KN290 thả neo cách đảo An Bang chừng 1 hải lý. Từ xa nhìn lại, đảo An Bang tuyệt đẹp với màu xanh của những cây bàng vuông, phong ba cùng ngọn hải đăng. Tất cả gộp lại tựa như một cây nấm khổng lồ giữa biển cả bao la. Lúc này, thời tiết không ủng hộ, sóng vẫn đánh mạnh vào mạn tàu.
Những thành viên trong đoàn chúng tôi đã tập trung đông đủ trước 2 bên thân tàu, chỉ còn chờ lệnh để xuống xuồng vào đảo. Phía trong đảo, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đảo An Bang tập trung tại bãi cát dài chờ đón đoàn chúng tôi. 1 tiếng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được lệnh xuống xuồng vì sóng lúc này vẫn đang rất lớn.
Bất chợt, một đồng chí trong đoàn thủy thủ lên tiếng: “Lát có ghé An Bang mới biết được thế nào là sóng gió Trường Sa”. Thế rồi sóng cũng bớt cuộn, 2 chuyến xuồng đầu tiên chở theo những phần quà được lệnh vào đảo. Dù còn đứng ở thân tàu KN290 nhưng sự hồi hộp của các thành viên trong đoàn chẳng khác gì những nhịp sóng đang vỗ trắng vào kè đá đảo An Bang khi chứng kiến chiếc xuồng nhỏ mỗi lần bám được vào bờ cát lại bị sóng đánh ra xa. Phải rất khó khăn, 2 chuyến hàng đầu tiên mới cập được đảo an toàn.
Sau 2 chuyến xuồng đầu tiên, chúng tôi may mắn là những thành viên trong đoàn được lên đảo. Trước khi lên xuồng, anh thuyền viên cầm lái chiếc xuồng nhỏ dặn dò cẩn thận, việc lên xuống phải tuân theo hiệu lệnh. Bình thường, chiếc xuồng nhỏ sẽ chở từ 10-14 thành viên lên đảo nhưng hôm nay, mỗi chuyến chỉ chở đúng 5 thành viên cùng 3 thủy thủ đoàn.
Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi cảm nhận được trọn vẹn sự khắc nghiệt của sóng gió Trường Sa. Những cơn sóng dữ có lúc đưa con xuồng lên cao rồi bất chợt kéo tụt xuống trên đoạn đường vào đảo.
Hơn 10 phút, chiếc xuồng nhỏ cuối cùng cũng đến được bãi cát trắng chân đảo. 2 anh thủy thủ đoàn nhanh tay ném 2 sợi dây thừng về phía CBCS đảo An Bang chờ sẵn.
Gần 40 CBCS trong đội kéo xuồng của đảo được huy động để giữ chiếc xuồng cập bến. Phải mất 5-6 nhịp sóng nghiêng ngả, cuối cùng chúng tôi cùng hàng hóa cũng vào được đảo an toàn. Cứ thế, những chuyến xuồng tiếp theo chở hàng hóa, đại biểu tiếp tục được đội kéo xuồng trên đảo An Bang hướng dẫn vào đảo an toàn.
Mặc dù không thể đưa hết các đại biển vào thăm đảo nhưng hơn 30 đại biểu cùng toàn bộ quà tặng được vào đảo An Bang đã là những cố gắng tuyệt vời của thủy thủ tàu KN290 và CBCS đảo An Bang.
Theo Đại úy Hữu Văn Hoàng - Chỉ huy trưởng đảo An Bang, với đặc thù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn thường xuyên nên việc ra vào đảo của các đoàn công tác rất khó khăn, vì thế, đảo thành lập một đội công tác đặc biệt để phục vụ việc đưa đón khách và vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng giúp những chuyến xuồng vào đảo bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đây vừa là nhiệm vụ và cũng là cách để rèn luyện sức khỏe cho CBCS trên đảo.
Ấm tình người giữa đảo xa
Vừa đặt chân lên bãi cát, một chiến sĩ bất chợt hỏi tôi với nụ cười tươi rói: “Các anh thấy sóng gió An Bang thế nào?”. Bất chợt, tôi cũng nở nụ cười đáp lại: “Sóng gió An Bang có lớn cũng chẳng bằng ý chí, nghị lực của các anh”. Quả thực, giữa biển khơi mênh mông, ở nơi mà hàng năm có đến hơn 2/3 số ngày sóng lớn nhưng CBCS đảo An Bang vẫn giữ cho mình tinh thần vui tươi, đầy tình thân.
Từ bãi cát, hơn 30 đại biểu lần lượt đặt chân lên đảo. Dưới tán bàng vuông, chúng tôi rất xúc động khi thấy tấm biển đỏ trên nền phông bạt xanh được ghi nắn nót từng chữ: “Giao lưu văn nghệ đảo An Bang - Đoàn công tác” cùng những hàng ghế được xếp ngay ngắn chờ sẵn. Tiếc rằng các thành viên trong đội văn nghệ xung kích Long An tham gia phục vụ giao lưu văn nghệ của đoàn công tác không thể lên đảo. Trong lúc Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cùng các thành viên trong đoàn thăm hỏi, động viên cũng như kiểm tra công tác trên đảo thì ngoài kia, hơn 40 CBCS của đội kéo xuồng vẫn miệt mài tiếp tục vận chuyển lượng quà tặng của các đơn vị đưa lên đảo an toàn. Dù nắng có làm sạm đen làn da, nước biển mặn mòi có thấm đẫm vào từng bộ quần áo nhưng nụ cười của những người lính Hải quân trên đảo An Bang luôn làm chúng tôi cảm thấy khâm phục bởi nghị lực, bản lĩnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, của truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng.
Chia sẻ với đoàn công tác, Đại úy Hữu Văn Hoàng - Chỉ huy trưởng đảo An Bang, thông tin tường tận những kết quả mà CBCS đảo An Bang đã đạt để giữ vững biển trời quê hương. Đặc biệt hơn, đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, mỗi CBCS trên đảo đều xem nhau như anh em ruột thịt, cùng phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đội kéo xuồng với hơn 40 người được thành lập tại đảo An Bang để đưa đón các đoàn công tác ra thăm, kiểm tra đảo
Dù đóng quân nơi tiền tiêu, khó khăn về vật chất nhưng trong năm 2018, CBCS đảo An Bang vẫn dành số tiền hơn 30 triệu đồng để giúp đỡ ngư dân đang đánh bắt hải sản trên ngư trường gần đảo. Trong đó, nổi bật là việc cứu nạn tàu cá QNg-95438 bị chìm và tổ chức ăn, ở cho 31 ngư dân. Riêng những tháng đầu năm 2019, đảo tiến hành khám và cấp cứu kịp thời cho gần 100 lượt ngư dân, hỗ trợ ngư dân nhu yếu phẩm, nước ngọt cho những chuyến ra khơi. Những việc làm tuy nhỏ nhưng ấm tình người nơi đảo xa như tiếp thêm sức mạnh để quân và dân gắn bó hơn với biển, đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Gần 2 tiếng trên đảo An Bang, dù còn nhiều lưu luyến nhưng chúng tôi cũng phải tạm biệt CBCS để về lại tàu KN290. Lúc vào đảo đã khó thì việc lên xuồng rời đảo lại càng khó khăn gấp bội. Hơn 40 CBCS lại một lần nữa theo hiệu lệnh của chỉ huy, lựa từng con sóng để đẩy xuồng ra. Những đôi chân trần đạp lên sỏi đá, những giọt mồ hôi, cát biển phủ đầy lên khuôn mặt các anh để đưa xuồng rời đảo an toàn. Xúc động, cảm phục là những gì đọng lại trong lòng chúng tôi về những người giữ đảo An Bang. Chúng tôi là những người trên chiếc xuồng cuối cùng rời đảo, sau lưng là những nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng và những cánh tay vẫy chào cho đến lúc thành viên cuối cùng lên tàu an toàn để tiếp tục hải trình.
Xa xa, đảo An Bang vẫn xanh mướt một màu. Đêm ấy, tàu nhổ neo. Ánh sáng từ ngọn hải đăng trên đảo An Bang như rọi cả hành trình!
(còn tiếp)
Bài 8: Đảo Đá Lát - Bảo vệ bình yên cho ngư dân vươn khơi bám biển
Kiên Định