Tiếng Việt | English

14/10/2021 - 09:34

Bám cơ sở, nắm địa bàn góp phần phòng, chống tội phạm giết người

Để phòng, chống tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội, Công an tỉnh Long An tích cực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ góp phần hóa giải những bất đồng, ngăn ngừa xảy ra những hậu quả lớn (Ảnh tư liệu minh họa: Đ.Lâm)

Thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ góp phần hóa giải những bất đồng, ngăn ngừa xảy ra những hậu quả lớn (Ảnh tư liệu minh họa: Đ.Lâm)

Năm 2021, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phòng, chống tội phạm giết người. Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh, để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người thì lực lượng công an thường xuyên chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, triệt xóa các ổ, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức.

Ngoài ra, Công an tỉnh cũng rất quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra, khám phá các vụ án giết người; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, giáp ranh, kịp thời xử lý, giải quyết các hành vi bạo lực, côn đồ.

Các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư, công nhân, lao động trong các nhà máy, xí nghiệp; xây dựng, củng cố, nhân rộng các phong trào, mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm hiệu quả;...

Ông Nguyễn Văn Hoàng (huyện Bến Lức) cho rằng: “Trong phòng, chống tội phạm giết người, các cấp, các ngành phải nắm chắc địa bàn, rà soát và quản lý chặt các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật; đồng thời, phải thực hiện công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc hoặc đưa thanh, thiếu niên đã nhiều lần vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng”.

Theo luật sư Lê Văn Lâm, Công ty Luật Sài Gòn - Mê Kông, Đoàn Luật sư Long An, để phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể cần tăng cường phối hợp, thực hiện tốt công tác trao đổi, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở.

“Từ việc làm tốt công tác nắm địa bàn, mâu thuẫn và thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ góp phần hóa giải những bất đồng, bức xúc và ngăn ngừa xảy ra những hậu quả lớn. Hòa giải hiệu quả không chỉ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự mà còn gắn kết nghĩa tình, sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng” - luật sư Lê Văn Lâm nhấn mạnh./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết