Tiếng Việt | English

29/04/2025 - 07:26

Bản hùng ca bất diệt

"Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - tướng Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Chỉ 15 phút sau sự kiện lịch sử 30/4/1975, Bản tin chiến thắng đầu tiên được vang lên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ký ức về thời khắc lịch sử ấy vẫn sống mãi trong lòng dân tộc như một bản hùng ca bất diệt.

21 năm trường kỳ kháng chiến

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ 2 cựu chiến binh - những nhân chứng sống của thời khói lửa là Đại tá Dương Văn Thương - nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và Thượng tá Lê Minh Đường - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 738, nguyên Quyền Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Trò chuyện trong những ngày rộn ràng kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử (30/4/1975 - 30/4/2025), những ký ức hào hùng lại ùa về qua từng lời kể của Đại tá Dương Văn Thương, người đã giác ngộ lý tưởng cách mạng từ năm 17 tuổi, khi phong trào Đồng khởi đang dâng cao khắp miền Nam.

Ông bắt đầu con đường binh nghiệp bằng những ngày hoạt động du kích tại cơ sở. Đến năm 1963, ông chính thức trở thành chiến sĩ bộ đội địa phương, biên chế trong Đại đội 1, Tiểu đoàn 504, tỉnh Kiến Tường.

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn từ Tân An

Chặng đường quân ngũ của người chiến sĩ trẻ là hành trình tôi luyện và trưởng thành qua từng trận đánh. Tháng 3/1968, ông được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 504. Ông và đồng đội lập nên chiến công vang dội khi tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn biệt kích Trâu Điên, một đơn vị tinh nhuệ và tàn bạo của địch.

Hồi tưởng những năm tháng đó, Đại tá Dương Văn Thương kể: “Ngày 20/4/1968, sau trận đánh lớn tiêu diệt Tiểu đoàn biệt kích Trâu Điên, đơn vị tôi - Tiểu đoàn 504 - được điều động về chiến trường Tân An. Tại đây, chúng tôi liên tục mở các đợt tấn công vào các xã: An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Bình Quới,... đặc biệt có trận đánh tại Tầm Vu, nơi chúng tôi tiêu diệt gọn một trung đội Mỹ”.

Còn với Thượng tá Lê Minh Đường, ông nhập ngũ từ năm 1960, khi mới 19 tuổi tại tỉnh Phú Yên. Từ tháng 01/1972, ông vào đến B2 và được phân công về Tiểu đoàn 504, tỉnh Kiến Tường, tiếp tục làm Chính trị viên Đại đội.

Những năm tháng gắn bó với Tiểu đoàn, ông cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Thượng tá Lê Minh Đường kể: “Những năm 1974, 1975, Tiểu đoàn 504 vừa chống địch bình định lấn chiếm, vừa đánh địch mở bàn đạp cho lực lượng ở trên. Ngày 13/3/1974, Tiểu đoàn 504 diệt gọn Tiểu đoàn 503 bảo an của địch tại kinh Năm Ngàn và kinh Phụng Thớt thuộc Vùng 4, nay là huyện Tân Thạnh.

Trong 2 tháng đầu năm 1975, Tiểu đoàn 504 đánh hàng chục trận, diệt hàng trăm tên địch, phá hủy, thu nhiều vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch”.

Đại tá Dương Văn Thương - nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, dù lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ rất rõ về những sự kiện lịch sử

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tiểu đoàn 504 được lệnh tấn công, giải phóng hàng loạt đồn, bót địch vùng ven tỉnh lỵ và tiếp quản tỉnh lỵ vào chiều ngày 30/4, góp phần cùng các lực lượng giải phóng

hoàn toàn tỉnh Kiến Tường. Sau ngày 01/5/1975, Tiểu đoàn 504 tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản, truy quét tàn quân địch và xây dựng lực lượng quân sự, chính trị ở cơ sở.

Đại tá Dương Văn Thương tự hào nói: “Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Kiến Tường không lùi bước trước bất cứ khó khăn, thử thách nào, từng bước tạo thế, tạo lực, liên tục tiến công địch, giành thắng lợi từng phần, tiến lên thắng lợi hoàn toàn”.

“Để có được hôm nay, chúng ta không thể quên được công lao của quân và dân Kiến Tường, trong đó có 7 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, hơn 5.000 liệt sĩ và hàng trăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã không ngại hy sinh, gian khổ, kiên cường chiến đấu và cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc” - Đại tá Dương Văn Thương nói thêm.

Niềm vui Ngày giải phóng

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Phạm Hồng Lĩnh (SN 1945) chậm rãi rót chén trà, ánh mắt xa xăm như đang quay ngược về những ngày tháng chiến tranh. Ông kể 2 người anh của ông lần lượt tham gia cách mạng vào năm 1947 và năm 1963.

Nối gót các anh, năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn cam go sau Chiến dịch Mậu Thân, chàng trai trẻ Phạm Hồng Lĩnh tham gia cách mạng, gia nhập lực lượng chính trị bán vũ trang thuộc Phân khu 3.

Ông Lĩnh kể lại: “Tôi tham gia cách mạng không chỉ vì lý tưởng mà còn vì lòng căm thù giặc sâu sắc bởi cha tôi bị lính Tây bắn chết. Lớn lên, nghe lại chuyện xưa, lòng căm thù càng sục sôi...”.

Người dân Tân An ăn mừng chiến thắng khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Đầu năm 1969, khi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” được Mỹ triển khai rầm rộ, lực lượng cách mạng phải đối mặt với những chiến dịch càn quét khốc liệt. Ông Lĩnh được điều chuyển về công tác tại Ban Tuyên huấn, Phân khu 3, hoạt động trên địa bàn hiểm trở Ba Thu - Mỏ Vẹt. Hai năm sau, ông trở về Tân An tiếp tục công tác trong lòng địch, sống dựa vào sự che chở của người dân.

“Sau Hiệp định Paris, cục diện chiến trường dần thay đổi theo hướng có lợi cho ta. Quân, dân miền Nam liên tục giành thắng lợi, tiếp thêm tinh thần cho toàn chiến tuyến. Tân An vẫn là “gọng kìm” quan trọng mà địch cố giữ. Tháng 4/1975, địch đưa Sư đoàn 22, một lực lượng tinh nhuệ về tăng cường bảo vệ tuyến Quốc lộ 4, tuyến đường chiến lược nối Sài Gòn với miền Tây” - ông Lĩnh nhớ lại.

Trong cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân TP.Tân An ghi lại, 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 174 tổ chức thành 2 mũi tiến công vào Tân An.

Cùng thời gian này, Trung đoàn 1 tiến công thị trấn Tân Hiệp. Lực lượng vũ trang vùng ven, lực lượng vũ trang thị xã Tân An chia thành nhiều bộ phận làm nhiệm vụ dẫn đường đưa các đơn vị của Sư đoàn 5 đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã.

Ông Phạm Hồng Lĩnh dù đã lớn tuổi nhưng khi hỏi về những ngày tháng chiến tranh, ông nhớ rất rõ

9 giờ 30 phút sáng cùng ngày, Dương Văn Minh yêu cầu lực lượng quân đội, cảnh sát Sài Gòn ngừng bắn, ở tại doanh trại. Quân ngụy tại Tân An càng hoang mang, Trung đoàn 11 thuộc Sư đoàn 7 và các đơn vị của Sư đoàn 22 của ngụy tự tan rã. Đến 11 giờ 30 phút, Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 174 cùng lực lượng biệt động và an ninh vũ trang Tân An tiến vào thị xã.

Đúng 14 giờ ngày 30/4/1975, hai lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Tỉnh trưởng và tòa hành chính tỉnh, thị xã Tân An. Long An hoàn toàn giải phóng.

“Trưa ngày 30/4, chúng tôi đang chuẩn bị để đánh một trận “tất tay” vào đêm hôm đó thì bất ngờ nghe tiếng phát thanh vang lên bản tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Cả phòng họp vỡ òa trong cảm xúc. Sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, bao nhiêu hy sinh, mất mát, cuối cùng ngày hòa bình cũng đã đến.

Anh em ôm chầm lấy nhau, người thì nhảy cẫng lên, người thì run lên vì xúc động. Tất cả chỉ còn kịp hét lên thật to "Hòa bình rồi! Hòa bình thật rồi!"” - ông Lĩnh kể với ánh mắt lấp lánh niềm vui và tự hào.

Dù đã nửa thế kỷ trôi qua, thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn hiện về rõ nét trong tâm trí những cựu chiến binh năm xưa, như thể mọi chuyện chỉ vừa diễn ra.

Ánh mắt những người có mặt trong thời khắc thiêng liêng ấy vẫn ánh lên niềm tự hào khi nhắc về ngày chiến thắng, ngày miền Nam được giải phóng, non sông nối liền một dải./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết